Gia đình giúp trẻ nghiện game rèn kỹ năng tư duy

09:01, 13/09/2011
|

(VnMedia) - Các trò chơi trực tuyến không chỉ mang lại cảm giác thư thái, giải trí mà còn giúp trẻ nhỏ xây dựng những kỹ năng xã hội, tư duy, tính sáng tạo,... Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ, trẻ sẽ bị lún sâu vào thế giới ảo và quên đi đời sống thực. Vì vậy, cha mẹ cần làm gì khi trẻ nghiện game?

Theo ông Effendy Ibrahim, Giám đốc kiêm Cố vấn Luật về An toàn Internet, Bộ phận kinh doanh tiêu dùng, Symantec khu vực châu Á, các trò chơi lành mạnh, phù hợp sẽ giúp trẻ phát triển tốt kỹ năng nhưng nếu để trẻ quá sa đà sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Ngày nay, game trực tuyến đã và đang trở thành hình thức game thu hút rất nhiều trẻ nhỏ, những trò chơi như trò chơi nhập vai mà nhiều người cùng có thể tham dự được (massive multiplayer role-playing game -  MMORPG) ngày càng gây nghiện cho nhiều người chơi.

Những trò chơi này cho phép trẻ nhỏ có thể nhập vai nhân vật, chat trực tuyến và chìm đắm trong thế giới ảo với những mục tiêu, cấp độ của trò chơi và thành quả họ muốn đạt được. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, trẻ nhỏ có thể sẽ mê mải trong thế giới game đầy hấp dẫn và lơ là đời sống thực tại.

Theo bản Báo cáo Norton o­nline Family Report 2010 (báo cáo toàn cầu về hiện trạng bảo mật trực tuyến trong các gia đình), 83% trẻ em trên toàn cầu sử dụng quỹ thời gian của mình cho việc chơi game trực tuyến. Khi việc chơi game bắt đầu gia tăng về thời gian và mức độ quan trọng, điều đó cũng đồng nghĩa rằng, mức độ nghiện chơi game trực tuyến ngày càng tăng.

Phát hiện triệu chứng nghiện game giai đoạn đầu là một việc làm hết sức quan trọng để điều chỉnh cho phù hợp. Điều quan trọng là làm thế nào cha mẹ có thể kiểm soát và hiểu được tình huống khi đó để có những hướng dẫn và điều chỉnh con trẻ cho phù hợp.

Trò chuyện với trẻ và tìm hiểu phương cách trò chơi trực tuyến hoạt động như thế nào sẽ giúp cha mẹ dễ quy định cách chơi của trẻ. Chẳng hạn, thay vì việc hạn chế thời gian chơi game của trẻ, bạn có thể hạn chế theo từng bài game; tới cấp độ (level) tiếp theo của game; hoặc tới khi trẻ có thể hoàn thành một số lượng nhất định các nhiệm vụ trong game.

Điều này mang đến sự hòa hợp giữa cha mẹ và trẻ. Trẻ có thể thăng tiến trong trò chơi mà cha mẹ lại có thể quản lý thời gian chơi game của trẻ mỗi ngày một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý tới các trò chơi trực tuyến trên Web. Hiện nay có rất nhiều website lưu trữ các trò chơi mà trẻ có thể chơi được. Mặc dù các website này thường là khá an toàn trước các mối đe dọa bảo mật nhưng một số trò chơi có thể lại không phù hợp với trẻ nhỏ.

“Con trai út của tôi thích chơi game trên các website này và hầu hết các trò chơi đều vô hại - các trò chơi như trang trí một chiếc bánh pizza, trồng cây hoặc phục vụ các bữa ăn trong 1 nhà hàng là bình thường. Tuy nhiên, một lần tôi tình cờ ngó qua và thấy cháu đang chơi một trò chơi mà nhiệm vụ của nhân vật là phải cố gắng nhìn trộm các nhân vật nữ khi họ đang tắm. Mặc dù trò chơi không có những hình ảnh khiêu gợi nhưng đó không phải là trò chơi phù hợp với những giá trị đạo đức và nhân cách mà tôi muốn rèn rũa cho con mình”, Effendy Ibrahim chia sẻ.

Do đó, một điều quan trọng là cần phải thường xuyên xem trẻ đang làm gì trên mạng bởi vì các trang web an toàn không có nghĩa là mọi nội dung đều phù hợp cho trẻ nhỏ.

Chơi game là một phần trong cuộc sống lành mạnh của trẻ nhỏ nhưng cũng không nên để game chi phối quá nhiều đến cuộc sống của trẻ. Cha mẹ cần chỉ cho trẻ biết rằng có một thế giới thực sống động bên ngoài cuộc sống Internet và các trò chơi trực tuyến.

Hãy đưa trẻ đến các bãi biển, chơi trò chơi và các môn thể thao cùng trẻ, đăng ký cho trẻ học các lớp học sáng tạo. Những việc như vậy sẽ khiến cho trẻ không bị cô lập vào thế giới chỉ có Internet mà còn tham gia rất nhiều hoạt động khác nữa, từ đó trẻ sẽ có sự cân bằng giữa đời sống thực và đời sống trực tuyến.


Tuệ Minh - (Theo PCW)

Ý kiến bạn đọc