Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng: ICT Việt sẽ bứt phá mạnh

07:21, 03/02/2011
|

(VnMedia) - Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNTT Việt năm 2010, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng kỳ vọng, đây sẽ là tiền đề để ngành tiếp tục có những bước tiến dài hơn trong chặng đường 2011 và những năm tiếp theo.

 

Trước tiên, Thứ trưởng có thể phác hoạ những nét cơ bản nhất bức tranh của ngành CNTT Việt Nam năm 2010?

 

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng: Đánh giá một cách tổng thể, ngành CNTT Việt Nam năm 2010 tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thu được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, theo tôi, một cột mốc đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và Truyền thông”.


 Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ TTT&TT Nguyễn Minh Hồng.


Công tác ứng dụng CNTT tiếp tục thu được một số kết quả quan trọng, tạo nền tảng ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn tới, cụ thể là: hạ tầng kỹ thuật CNTT đã được cải thiện; một số ứng dụng CNTT đã bắt đầu phát huy hiệu quả như bảo đảm một số cuộc họp trên môi trường mạng; ứng dụng hệ thống thư điện tử và hệ thống quản lý văn bản và điều hành; triển khai xây dựng các trang thông tin điện tử/cổng thông tin điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp.

 

Công nghiệp CNTT tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước trên cả 3 lĩnh vực phần mềm, nội dung số và công nghiệp phần cứng, điện tử. Theo thống kê chưa đầy đủ, doanh thu toàn ngành năm 2010 đạt hơn 7 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 15-20% so với năm 2009. Doanh thu ngành công nghiệp phần mềm đạt khoảng hơn 1 tỷ USD, công nghiệp nội dung số đạt khoảng gần 900 triệu USD, công nghiệp điện tử phần cứng đạt khoảng 5,5 tỷ USD.

 

Trong năm 2010, công tác quản lý trong lĩnh vực công nghiệp CNTT được tăng cường với nhiều văn bản ược ban hành, tạo cơ chế ưu đãi cũng như hoàn thiện hành lang pháp lý cho ngành.

 

Đúng như Thứ trưởng đã nêu, một trong những sự kiện của ngành CNTT Việt Nam năm 2010 không thể không được nhắc tới đó là Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Đề án đưa Việt Nam trở thành nước mạnh CNTT. Cho đến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những khởi động như thế nào để Đề án sớm trở thành hiện thực?

 

Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai xây dựng các Chương trình, Kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà Đề án đề ra như Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020...

 

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại phiên họp cuối năm 2010 của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, đề xuất thành lập Ban Điều phối triển khai dự án do Bộ đảm nhiệm vai trò thường trực, thành viên là lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan, để thực hiện công tác điều phối, đôn đốc, giám sát, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Đề án.

 

Trong đề án nước mạnh về CNTT có nói đến việc hình thành các tập đoàn CNTT-TT mạnh, tầm cỡ quốc tế. Vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông có những hỗ trợ gì để họ không chỉ mạnh trong phạm vi Việt Nam mà trở thành những thương hiệu đứng hàng top trong khu vực và trên thế giới?

 

Ngành CNTT ở Việt Nam mới phát triển được hơn 10 năm qua còn tương đối non trẻ, nhìn chung, các cấp, các ngành, các địa phương chưa thực sự coi ứng dụng và phát triển CNTT là nhiệm vụ ưu tiên trong khi triển khai các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, CNTT là một lĩnh vực khó, liên quan đến các yếu tố công nghệ cao, trong khi chúng ta có xuất phát điểm từ một nền kinh tế - xã hội còn nghèo và lạc hậu, trình độ quản lý, trình độ khoa học và công nghệ còn chưa cao, môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn đang trong qua trình hoàn thiện nên nói chung chưa thể có được nhiều các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực này.

 

Trong dự thảo Chương trình phát triển công nghiệp CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2010, Bộ có đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT, hình thành doanh nghiệp mạnh, ví dụ:

 

Thứ nhất, nhà nước ưu tiên đầu tư vốn vào các doanh nghiệp CNTT để hình thành các doanh nghiệp mạnh;

 

Thứ hai, ưu tiên các doanh nghiệp CNTT mạnh của Việt Nam tham gia làm tổng thầu thực hiện một số dự án lớn về CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc ngân sách nhà nước.

 

Thứ ba, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế.

 

Thứ tư, triển khai rà soát, sửa đổi thuế giá trị gia tăng theo hướng đưa sản phẩm và dịch vụ phần mềm vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng; sửa đổi thuế xuất nhập khẩu theo hướng thuế nhập khẩu linh kiện phần cứng máy tính, điện tử không cao hơn thuế nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh; sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm và sản xuất sản phẩm nội dung số được hưởng mức ưu đãi tương tự như doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm.

 

Thứ năm, áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật dành cho công nghệ cao để phát triển ba trung tâm công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và ba cụm công nghiệp phần cứng, điện tử tại ba miền Bắc, Trung, Nam.

 

Vậy còn kỳ vọng vào sự phát triển ngành CNTT nước nhà trong năm Tân Mão 201? Xin Thứ trưởng chia sẻ?

 

Theo nhiều dự báo, bước sang năm 2011, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng. Trong tình hình đó, cơ hội tăng trưởng cao hơn cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011 được Chính phủ đánh giá là có triển vọng, ở mức 7-7,5%. Môi trường kinh tế vĩ mô như vậy cơ bản là thuận lợi cho ngành CNTT Việt Nam phát triển.

 

Bên cạnh đó, năm 2011 cũng là năm khởi động triển khai nhiều Chương trình, Kế hoạch lớn của Chính phủ như: Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT, Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015...


Tôi tin tưởng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam , bao gồm cả thị trường trong nước và quốc tế, tiếp tục được mở rộng. Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông hy vọng và tin tưởng rằng năm 2011, ngành CNTT Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ phát triển cao như trong giai đoạn vừa qua, và nếu nắm bắt tốt hơn cơ hội, chúng ta có thể đạt được mức tăng trưởng cao hơn nữa.

 

Xin cảm ơn Thứ trưởng!


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc