Tái cơ cấu Goole: Người dùng ít bị ảnh hưởng?

10:50, 12/08/2015
|

(VnMedia) - Động thái tái cơ cấu bất ngờ của Google được cho là sẽ dọn đường cho những tham vọng lớn hơn nhiều của hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới này.

Google vừa thông báo sẽ đổi thành công ty mẹ "Alphabet", còn cái tên hiện tại sẽ hoạt động như một công ty con với các sản phẩm chủ lực như Tìm kiếm, Android, YouTube, Chrome, Gmail, Google+… Còn công ty mẹ "Alphabet" sẽ điều hành chung và quản lý trực tiếp các đơn vị mà Google đã lập ra trước đây như Calico (dự án kéo dài tuổi thọ), Wing (công ty giao hàng bằng phương tiện không người lái), Life Sciences (kính sát tròng đo đường máu), dự án Google X, Nest, Calico và nhiều cái tên khác.

Sếp của Google "cũ", Larry Page, cũng chính là sếp hiện tại của "Alphabet".

Tại sao phải tái cấu trúc?

Một cách chung nhất: Google tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn. Về cơ bản, Google  sẽ chia làm 2 phần: phần thứ nhất bao gồm các dịch vụ đang "đẻ" ra tiền như Search, Android, YouTube, Gmail…, phần còn lại là các dự án táo bạo chưa "đẻ" ra tiền nhưng có tương lai sáng lạn như Calico, Wing, Life Sciences…

Tại sao Google lại phải chia ra như vậy? Từ lâu các nhà đầu tư đã bày tỏ thái độ không hài lòng khi Google đổ ra quá nhiều tiền cho các dự án mạo hiểm. Việc chia tách như hiện tại sẽ tạo khoảng không lớn hơn cho các dự án mới, hay còn gọi là các "startup" (công ty khởi nghiệp), phát triển. Nếu chúng thành công sẽ là điều tốt, còn nếu không cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới tổng thể. Ví dụ, Calico có thất bại thì Alphabet cũng sẽ chẳng ảnh hưởng gì.

Trong khi đó, nếu các startup này thành công, có thể IPO tạo ra giá trị lớn hơn thì lợi nhuận cứ vẫn chuyển về công ty mẹ (Alphabet). Đây là điều trấn an lớn nhất đối với các nhà đầu tư.

Việc chia tách cũng đưa các bộ phận và dự án trước đây của Google lên thành công ty. Chẳng hạn, Astro Teller thay vì lấy chức danh là "Trưởng bộ phận dự án Google X" thì giờ đây trở thành "CEO của công ty Google X". Nghe oai hơn rất nhiều, đồng thời cũng tạo ra động lực và trao quyền lớn hơn cho các bộ phận của Google trước đây.

Ngoài ra, bản thân Google hiện tại cũng "rộng cẳng" hơn trong việc kinh doanh dịch vụ. Hãng có thể thoải mái thử nghiệm các ý tưởng mới mà không gặp nhiều khó khăn như khi là tổng công ty khổng lồ như trước đây.

Một lý do nữa khiến Google phải tái cấu trúc là để tránh khỏi các rắc rối pháp lý, nhất là từ EU. Dưới thời Google khi còn là "hổ lớn", nó luôn nhận được sự "chăm sóc" đặc biệt từ các nhà làm luật EU, nhất là về vấn đề độc quyền, cạnh tranh bất bình đẳng… Giờ đây, những thực thể nhỏ hơn Nest, Calico và Fiber sẽ dễ dàng hoạt động hơn, mặc dù về cơ bản vẫn thế, mà không phải chịu nhiều săm soi như trước đây.

Dàn lãnh đạo mới

Do Larry Page đã chuyển sang làm sếp của Alphabet nên Google hiện tại cần có CEO mới. Người được cất nhắc lên vị trí này là Sundar Pichai, trước đây là trưởng bộ phận Android rồi sau đó phụ trách mảng sản phẩm của Google từ năm 2014.

Có tin đồn Sundar Pichai có thể được mời vào vị trí lãnh đạo Twitter. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là tin đồn bởi Twitter chẳng là gì khi so sánh với Google. Ngoài ra, cũng chẳng có lý do thuyết phục nào để Sundar Pichai về Twitter, vốn là công ty nhỏ mà Google chỉ cần bỏ ra 20 tỉ USD là có thể thâu tóm dễ dàng.

Người dùng có bị ảnh hưởng?

Nói chung không có bất cứ ảnh hưởng nào với người dùng. Về cơ bản, việc tái cấu trúc trên chỉ là đổi tên và quy hoạch lại cho gọn. Còn người dùng vẫn sử dụng các dịch vụ bình thường dưới thương hiệu Google. YouTube, Gmail, Search, Maps, Android, quảng cáo, ảnh… sẽ chẳng khác gì so với trước đây.

Chỉ một số ít bộ phận bị ảnh hưởng, chẳng hạn như Nest. Google mua lại công ty này năm 2014 và hiện Nest trở thành một công ty con của Alphabet chứ không trực thuộc Google nữa. Ngoài ra, Google Fiber cũng nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Alphabet. Google Fiber là dịch vụ cáp quang hoạt động khá tốt dưới thời Google. Tuy nhiên, ít có khả năng cái tên Google Fiber sẽ đổi thành Alphabet Fiber.

Sơ đồ tái cấu trúc

Tái cơ cấu được kỳ vọng sẽ tạo ra thay đổi lớn lao cho Google. Tuy nhiên, Google có thành công với mô hình mới hay không thì chỉ có thời gian mới trả lời được. 
 

Ảnh minh họa



Tuệ Minh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc