Những "tưởng bở" nên tránh khi dùng máy tính

05:30, 20/08/2015
|

(VnMedia) - Bất chấp sự phát triển rầm rộ của tablet và các thiết bị di động, hiện máy tính vẫn được coi là công cụ chính để làm việc và vẫn chưa thể bị thay thế. Có những giả định mà bạn vẫn cho là đúng khi dùng máy tính nhưng thực ra lại không phải như vậy.

Cần phân mảnh ổ cứng thường xuyên

Thực ra bạn không cần phải làm điều đó. Những chiếc máy tính Windows được tích hợp sẵn công cụ phân mảnh tự động chạy ngầm theo lịch trình có sẵn. Trên OS X, Mac cũng có hệ thống file (OS X HFS+) tự động phân mảnh các tệp tin, thường gọi là quy trình HFC (Hot File Adaptive Clustering).

Ảnh minh họa

Ngoài ra, nhiều chiếc máy tính hiện đại đã dùng ổ cứng trạng thái rắn SSD hoặc ổ cứng lưu trữ flash. Với những dạng ổ cứng này, bạn tuyệt đối không được phân mảnh chúng bởi nó sẽ làm hỏng ổ cứng thay vì cải thiện hiệu suất hoạt động.

Virus và phần mềm gián điệp làm chậm máy tính

Bất cứ khi nào máy tính chạy chậm, bạn thường nghĩ ngay tới virus hoặc phần mềm gián điệp (spyware). Tuy khả năng này có thể có thật nhưng hầu hết những loại phần mềm độc hại ngày nay được tạo ra để kiếm lợi cho chủ nhân của chúng, nên chúng cần phải được thiết kế để chạy ổn định và trơn tru trên máy tính. Chính vì vậy, kể cả khi máy tính của bạn bị nhiễm phần mềm độc hại, hiệu năng hoạt động của máy cũng không mấy bị ảnh hưởng do việc này.

Ảnh minh họa

Thay vào đó, nguyên nhân làm cho máy tính chạy chậm chủ yếu là do chạy quá nhiều ứng dụng đồng thời, những plugin và add-on không cần thiết tiêu tốn tài nguyên hệ thống, chiếm dụng RAM, không gian ổ cứng hoặc gây ra những vấn đề về phần cứng.

Những phần mềm "dọn dẹp" trả phí sẽ cải thiện hiệu suất

Có lẽ chúng ta đã từng thấy những quảng cáo kiểu như "Tải về phần mềm X để tăng hiệu suất hoạt động của PC lên 300 lần". Những chương trình kiểu này luôn hứa hẹn dọn dẹp sạch các lỗi registry, tải về bản cập nhật driver, tháo cài đặt những phần mềm không thể xóa thủ công, hoặc dọn sạch các lỗi của PC.

Ảnh minh họa


Thực tế thì sao? Đó chỉ là quảng cáo, bạn không cần tới chúng cho dù máy tính đang chạy Windows, OS X hay Linux. Tệ hơn, những chương trình kiểu này thường được dùng để cài cắm phần mềm độc hại - như adware hoặc spyware – vào máy tính và hiếm khi mang lại lợi ích thiết thực nào cho người dùng.

Bạn không cần tới phần mềm diệt virus

Thực tế bạn luôn cần tới phần mềm diệt virus. Trước tiên hãy nói về dòng máy Mac. Virus xuất hiện trên nền tảng này khá ít, không phải do nó an toàn mà bởi giới tin tặc thường tập trung nhiều hơn vào Windows, là hệ điều hành thông dụng hơn rất nhiều.

Nói về khái niệm "an toàn", bạn sẽ không bao giờ an toàn khi sử dụng máy tính. Mỗi lần bật máy lên, bạn cần phải vào web, làm việc gì đó cần kết nối mạng, download ảnh hay tệp tin từ Internet về… nói chung sẽ có rất nhiều "cạm bẫy" chờ đợi. Việc không sử dụng bất cứ phần mềm diệt virus nào trên máy tính là một sai lầm.

Xóa nội dung trên ổ cứng sẽ xóa sạch chúng khỏi máy tính

Thực tế không phải vậy. Khi xóa dữ liệu, chỉ phần nhìn thấy của chúng là biến mất trên giao diện sử dụng, phần dữ liệu còn lại vẫn nằm trên ổ cứng và chỉ mất hoàn toàn khi chúng bị ghi đè lên.

Để đơn giản, hãy tưởng tượng dữ liệu của bạn như vết chân nền nhà dính bụi. Khi bạn rời căn phòng, dấu chân vẫn còn đó và chúng chỉ biến mất khi có nhiều người ra vào căn phòng giẫm lên vết chân đó khiến chúng mờ đi. Quy tắc này cũng giống như cách thức lưu trữ dữ liệu hoạt động. Các tệp tin bị xóa được đánh dấu sẵn sàng cho dữ liệu khác ghi đè lên. Nhưng trước khi bị ghi đè lên, chúng vẫn ở đó và có thể khôi phục lại được bằng công cụ phù hợp.

Để không bị dính lỗ hổng, hãy sử dụng trình duyệt Firefox/Safari/Chrome/IE khi lướt web

Thực tế, trình duyệt chỉ là môi trường thực thi cho JavaScrip và chúng ngang nhau ở mức độ bị khai thác hoặc bị hack. Bạn cũng cần biết rằng tin tặc thường tấn công vào phần add-on và plugin của trình duyệt chứ ít khi nhắm vào bản thân trình duyệt.

Lõi chip, RAM… nhiều hơn, máy sẽ chạy nhanh hơn

Về cơ bản là vậy, tuy nhiên, khi dùng chip đa lõi, RAM nhiều hơn,
các thiết bị di động như laptop sẽ tốn pin hơn. Khi thêm RAM, máy tính sẽ hoạt động hiệu quả hơn chút do giảm thiểu sự phụ thuộc vào bộ nhớ ảo. Còn lõi chip sẽ phức tạp hơn chút. Không phải cứ nhiều lõi chip thì máy sẽ chạy nhanh hơn. Chẳng hạn, dòng chip lõi tứ cao cấp luôn có hiệu suất cao hơn nhiều so với chip 8 lõi cấp thấp.


Tuệ Minh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc