Điện thoại Android: Nên và không nên làm gì?

09:35, 29/08/2015
|

(VnMedia) - Android đang là hệ điều hành di động thông dụng nhất hiện nay. Nếu bạn đang sở hữu thiết bị Android thì những ghi chú sau sẽ rất hữu ích.

Ảnh minh họa


Nên: Giới hạn mức sử dụng dữ liệu

Tất cả điện thoại Android đều có một công cụ trong phần cài đặt hệ thống giúp theo dõi và giới hạn mức độ sử dụng dữ liệu. Nếu bạn đang dùng gói 3G theo dung lượng, nên coi đây là công việc ưu tiên. Bạn có thể thiết lập chu trình tính phí dữ liệu hàng tháng, mức độ dữ liệu, và bật cảnh báo khi đạt tới gần giới hạn hết dữ liệu. Có cả phần tinh chỉnh vô hiệu hóa dữ liệu để tránh tình trạng dùng vượt quá định mức dữ liệu quy định.

Không nên: Dùng tiện khóa màn hình của bên thứ ba

Android cho phép tinh chỉnh rất nhiều phần trên điện thoại theo cách bạn muốn. Tuy nhiên, có một thứ mà bạn không nên đụng vào đó là màn hình khóa. Trên Play Store hiện đang có rất nhiều ứng dụng khóa màn hình thay thế nhưng không phải ở dạng chính thức – nghĩa là các ứng dụng này theo cách nào đó sẽ can thiệp sâu vào hệ thống làm cho điện thoại mất an toàn. Ngoài ra, các ứng dụng kiểu này cũng có thể khiến cho điện thoại gặp tình trạng lắc giật khi sử dụng.

Nên: Thiết lập và sử dụng tính năng "OK Google"

Từ khóa "OK Google" là cách nhanh nhất để kích hoạt tính năng tìm kiếm thoại trên Android. Bạn nên tận dụng tính năng này vì nó rất hữu ích. Để kích hoạt, bạn vào ứng dụng Google, mở phần cấu hình thoại ra để tập dượt cho điện thoại quen với phát âm của mình. Một số mẫu điện thoại, chẳng hạn như Nexus 6, còn có khả năng nghe lệnh "OK Google" ngay cả khi tắt màn hình.

Không nên: Cài đặt file APK từ các nguồn không tin cậy

Một trong những hấp dẫn về Android chính là việc bạn có thể cài đặt ứng dụng từ nhiều nguồn khác nhau như Amazon hoặc F-Droid chứ không bó hẹp trong mỗi Google Play. Tuy nhiên, với những cài đặt như thế này, bạn phải tự chịu trách nhiệm nếu có trục trặc gì xảy ra.

Vậy nên, bạn cần rất thận trọng khi cài đặt bất cứ file APK nào từ diễn đàn trên mạng, và tuyệt đối không cố tải game và các ứng dụng hack lên điện thoại. Nếu cố tình, chiếc điện thoại của bạn rất có thể trở thành ổ chứa malware hoặc spam độc hại. Bạn nên tắt tính năng cài đặt từ các nguồn không xác định nếu chỉ có nhu cầu dùng ứng dụng từ nguồn chính thống Google Play.

Nên: Vô hiệu hóa các ứng dụng không mong muốn

Mỗi chiếc smartphone hoặc tablet Android đều được cài đặt nhiều ứng dụng không mong muốn hoặc chẳng bao giờ dùng tới. Ngay cả khi bạn không dùng tới chúng thì chúng vẫn nằm trong phần cài đặt và vẫn khởi động hoặc chạy ngầm cùng điện thoại gây tốn pin và đôi khi khiến điện thoại bị treo.

Nếu không cần tới những ứng dụng này, cách tốt nhất là vô hiệu hóa (disable) chúng đi. Bạn chỉ cần mở phần settings của hệ thống, tìm phần quản lý ứng dụng (app manager), kéo hết danh sách và disable ứng dụng không cần tới. Thật là đơn giản!

Không nên: Tắt ứng dụng chạy ngầm

Có thể bạn từng nghe Android quản lý các ứng dụng chạy ngầm không được ưu việt lắm. Tuy nhiên, bạn cũng không cần tới ứng dụng quản lý tác vụ hoặc bất cứ thứ gì tăng tốc điện thoại bằng cách giải phóng RAM. Khi một tiến trình (process) nào đó không cần thiết, Android đủ thông minh để kết thúc nó. Thực tế, nhiều tiến trình bị ngừng bởi phần mềm quản lý tác vụ sẽ lại tự khởi động lại, và vô hình chung chúng sẽ ngốn nhiều pin của thiết bị.

Nên: Dùng màn hình khóa bảo mật, và sử dụng tính năng Khóa thông minh

Android có một tính năng rất hay đó là Smart Lock (khóa thông minh) – chỉ có trên Android 5.0 hoặc cao hơn. Bạn có thể đặt màn hình khóa theo dạng pattern hoặc PIN rồi sau đó sử dụng tính năng khóa thông minh để tự động quay lại màn hình khóa dạng vuốt nhanh hơn. Chẳng hạn, bạn có thể dụng màn hình khóa dạng vuốt ở nhà, nhưng khi ra ngoài sẽ dùng màn hình khóa bảo mật. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị Bluetooth tin cậy, hay thậm chí là cả khuôn mặt để mở khóa điện thoại rất tiện lợi.

Không nên: Sử dụng ứng dụng diệt virus của bên thứ 3

Nhiều model điện thoại được cài đặt sẵn phần mềm diệt virus nhưng thực ra điều đó là không cần thiết. Những phần mềm antivirus đó chạy ngầm trên hệ thống và tiêu tốn rất nhiều tài nguyên khiến cho pin nhanh cạn kiệt một cách không cần thiết.

Nên: Khai thác hết tính năng trong Device Manager

Google cung cấp tính năng tìm kiếm điện thoại bị mất bằng website có tên Device Manager. Tính năng này khá hữu ích khi bạn bị "lạc" hoặc mất điện thoại của mình. Nó sẽ cho phép bạn định vị điện thoại bị mất đang nằm ở đâu, kích hoạt chuông, khóa máy hay thậm chí là xóa toàn bộ dữ liệu từ xa. Hãy chắc rằng bạn đã kích hoạt toàn bộ quyền truy cập quản lý cho Device Manager trong phần cài đặt. Vào Security rồi tìm menu quản trị điện thoại, hãy chắc rằng phần Device Manager đã được đánh dấu.

Không nên: Reset lại điện thoại ngay sau khi thay đổi mật khẩu Google

Từ Android 5.1 trở đi, Google đã bổ sung thêm hệ thống bảo vệ thiết bị để chống đánh cắp. Giờ đây, Android sẽ yêu cầu dùng thông tin từ tài khoản Google trước đó (trước khi reset) để đăng nhập vào điện thoại khi tính năng Device Protection được kích hoạt. Chính vì vậy, bạn không nên Reset lại điện thoại ngay sau khi thay đổi mật khẩu tài khoản
Google.


Tuệ Minh - (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc