TP.HCM muốn chủ động xây dựng kho dữ liệu cho đô thị thông minh

11:44, 24/12/2017
|

Theo Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Dương Anh Đức, năm 2018, TP.HCM sẽ tập trung những bước đầu tiên cho thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh, trong đó xây dựng kho dữ liệu dùng chung được xem là giải pháp trong công tác quản lý điều hành và dự báo.

TP.HCM đang chuẩn bị những bước đầu cho thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh. Ảnh minh họa: Internet
TP.HCM đang chuẩn bị những bước đầu cho thực hiện đề án xây dựng đô thị thông minh. Ảnh minh họa: Internet
Ý kiến trên vừa được Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Dương Anh Đức đưa ra trong hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Bộ TT&TT.
 
Cuối tháng 11/2017, sau một thời gian dài. đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đã được phê duyệt và công bố. Ông Dương Anh Đức cho biết, lãnh đạo Thành phố cũng cơ bản phê duyệt kế hoạch xây dựng thành phố thông minh 2018 trong đó sở TT&TT được giao là cơ quan thường trực. Việc xây dựng đô thị thông minh là một nhiệm vụ trọng tâm quan trọng đối với TP.HCM nhất là trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM và việc xây dựng đô thị thông minh nếu thành công sẽ góp vai trò quan trọng để phát huy tối đa thế mạnh của thành phố.
 
Trong năm 2018 sẽ tập trung xây dựng các bước đầu tiên của kế hoạch này. Tuy vậy, ông Dương Anh Đức cũng cho biết TP.HCM đang cần nhiều sự hỗ trợ, hướng dẫn từ các cơ quan quản lý, chẳng hạn như việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung liên thông. Ông Dương Anh Đức cho hay, tthời gian qua, TP.HCM đang nỗ lực xây dựng một hệ thống dữ liệu dùng chung trong quản lý điều hành và dự báo nhưng còn gặp nhiều khó khăn khi tích hợp, liên thông các dữ liệu này khi triển khai trong thực tế.
 
Có thể kể đến là vướng mắc về việc trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ban, ngành liên quan. Theo đó, Giám đốc Sở TT&TT mong muốn được Bộ TT&TT hỗ trợ hoặc nếu có thể đề xuất Chính phủ cho phép thành phố chủ động triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho nhu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng chiến lược phát triển của thành phố, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia do các bộ, ngành xây dựng theo hướng chia sẻ dữ liệu tự động theo các tiêu chuẩn đã ban hành. Nếu không hệ thống dữ liệu dùng chung sẽ rất khó cập nhật duy trì liên tục để đáp ứng yêu cầu cho nhu cầu quản lý, dự báo của thành phố.
 
Về phía mình, đại diện Cục in học hóa (Bộ TT&TT) cũng bày tỏ ý kiến. Chính phủ đã có Nghị định về ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước trong đó có nguyên tắc xây dựng quản lý, khai thác bảo vệ, duy trì các cơ sở dữ liệu trong đó hạn chế tối đa việc thu thập lại cùng một nguồn dữ liệu. "Để thực hiện quy định này thì chúng ta phải xét đối với từng nguồn dữ liệu cụ thể chứ không thể nói một câu chung là cho địa phương chủ động triển khai", vị đại diện này cho hay.
 
Như vậy, đối với dữ liệu nào mà các Bộ, ngành đã triển khai rồi hoặc chuẩn bị triển khai (căn cứ vào tiến độ dự án) thì các địa phương tuyệt đối không triển khai lại trùng lắp. Đối với các cơ sở dữ liệu chưa có kế hoạch triển khai thì địa phương có thể báo cáo với Bộ TT&TT để Bộ làm việc với chủ quản hệ thống thống nhất phương án triển khai sao cho hài hòa giữa trung ương và địa phương.
 
Ngoài ra, lãnh đạo Cục tin học hóa cũng cho hay đơn vị này sẵn sàng đồng hành cùng địa phương để triển khai các đề án trong xây dựng thành phố thông minh.
 
Cuối tháng 11, TP.HCM chính thức công bố thông qua đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” với các mục tiêu đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; Quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; Nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; Tăng cường sự tham gia quản lý của người dân.
 
Việc xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM được cụ thể hóa ở một số lợi ích cho người dân trong một số lĩnh vực như giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, chống ngập, nguồn nhân lực, an ninh trật tự, chính quyền điện tử, chỉnh trang và phát triển đô thị.
 
Các giải pháp được nhắc đến đó là xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của Thành phố; Xây dựng Trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Thành phố; Xây dựng Trung tâm điều hành ĐTTM; Thành lập Trung tâm An toàn thông tin Thành phố; Khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) cho ĐTTM của Thành phố;…
 
Theo ictnews.vn

Ý kiến bạn đọc