Ban hành Luật An ninh mạng để bảo vệ an ninh quốc gia

10:26, 18/09/2017
|
(VnMedia) - Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đánh giá, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết; tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để tránh quy định chồng chéo...
 
Luật An ninh mạng
Ảnh  minh họa
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội (UBQPAN), quá trình thẩm tra sơ bộ dự án Luật An ninh mạng cho thấy, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật an ninh mạng như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh việc các đối tượng phản động, chống đối, các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa đến quốc phòng, a ninh quốc gia (ANQG), trật tự, an toàn xã hội (TTATXH), tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân. 
 
Có ý kiến không tán thành với việc ban hành Luật này, vì cho rằng, an ninh mạng là một bộ phận của ANQG nên phải quán triệt và thực hiện đầy đủ các quy định của Luật ANQG; còn việc tạo lập, lưu trữ, trao đổi, truyền đưa, thu thập, xử lý thông tin mạng đã được quy định trong Luật an toàn thông tin mạng (ATTTM). Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ANQG, Luật ATTTM hoặc đề xuất sửa đổi hai luật này nhằm bổ sung những nội dung mới liên quan an ninh mạng.
 
“Thường trực UBQPAN nhận thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nước ta còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu đồng bộ; công tác quản lý và vận hành chưa tốt và còn nhiều lỗ hổng, sơ hở có thể bị lợi dụng xâm phạm chủ quyền, ANQG, TTATXH, an toàn thông tin trên không gian mạng. Việc sửa đổi Luật ANQG, Luật ATTTM hoặc ban hành văn bản hướng dẫn nhằm quy định về an ninh mạng không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết; tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát các nội dung trong dự thảo Luật để tránh quy định chồng chéo với các luật khác liên quan.” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
 
Về phạm vi điều chỉnh, có ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, vì cho rằng đã thể hiện đầy đủ nội dung, trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến bảo đảm an ninh mạng. Tuy nhiên, loại ý kiến thứ hai cho rằng, dự thảo Luật điều chỉnh quá rộng, nhưng không đầy đủ, bao quát các nội dung được điều chỉnh. Do đó, đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh theo hướng chỉ điều chỉnh về hoạt động bảo vệ ANQG trên không gian mạng.
 
“Thường trực UBQPAN tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật do Chính phủ trình, vì cho rằng các thế lực, đối tượng phản động, chống đối, các loại tội phạm luôn lợi dụng không gian mạng để tiến hành các hoạt động tấn công, phá hoại hệ thống thông tin mạng, xâm phạm độc lập, chủ quyền, ANQG, TTATXH, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Do đó, Luật An ninh mạng cần phải điều chỉnh về hoạt động bảo vệ ANQG trên không gian mạng, bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng; đồng thời, có điều chỉnh về hoạt động tác chiến mạng, giữ gìn TTATXH, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng để bảo đảm cơ sở pháp lý cần thiết, linh hoạt cho các hoạt động này trong thực tế.” -  UBQPAN nêu quan điểm.
 
Về biện pháp bảo vệ an ninh mạng trong dự thảo Luật, Thường trực UBQPAN cho rằng, quy định về các biện pháp bảo vệ an ninh mạng và quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm của các chủ thể trong bảo vệ an ninh mạng là cơ bản phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo rà soát để bổ sung đầy đủ các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, bao quát các nhóm hoạt động được điều chỉnh trong dự thảo Luật (như các giải pháp về tác chiến mạng, giải pháp bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, giải pháp về bảo đảm TTATXH, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trên không gian mạng). Đối với các biện pháp bảo vệ an ninh mạng mang tính nghiệp vụ, bí mật như các biện pháp bảo vệ ANQG, các biện pháp nghiệp vụ an ninh mạng, các biện pháp tác chiến mạng... thì chỉ nêu có tính nguyên tắc và giao cấp có thẩm quyền quy định chi tiết cho phù hợp.
 
Về các tình huống an ninh mạng (từ Điều 27 đến Điều 33), Thường trực UBQPAN nhận thấy, việc quản lý, điều hành đất nước, việc giải quyết các tình huống về QPAN (như tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, nguy cơ đe dọa ANQG chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp) được thực hiện theo quy định của pháp luật về các tình huống đó. Đối với các tình huống xảy ra trên môi trường mạng mang tính đặc thù, khác với các tình huống QPAN nêu trên, do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cho phù hợp, tránh chồng chéo, nhầm lẫn, khó phân định trách nhiệm. 
 
Về phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng (Chương IV), một số ý kiến đề nghị cần có quy định về chế độ, chính sách ưu đãi đặc thù đối với lực lượng an ninh mạng; Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ điều kiện đối với những người đang làm và thôi làm công tác an ninh mạng.
 
Thường trực UBQPAN tán thành với các ý kiến trên, nhưng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xây dựng điều luật bảo đảm phù hợp với điều kiện của đất nước hiên nay, không phát sinh thêm tổ chức, biên chế.

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật này cuối tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phải rà soát lại các quy định của dự thảo Luật để đồng bộ, tránh chống chéo, trùng lắp với các quy định của Hiến pháp và các dự án Luật khác; đồng thời, cần phân tích sâu sắc hơn thực trạng an ninh mạng hiện nay để thuyết phục hơn sự cần thiết phải xây dựng dự án Luật này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các quy định liên quan đến hạn chế quyền con người thì phải quy định cụ thể tại Luật này chứ không giao Chính phủ quy định. Về các quy định như hệ thống thông tin quan trọng quốc gia cần được quy định cụ thể hơn, tránh chung chung. 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, dự án Luật An ninh mạng cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp sắp tới. Tuy nhiên, theo ông, đây là dự án Luật rất khó, nhiều nội dung phức tạp nên cần nghiên cứu kỹ, lựa chọn kinh nghiệm của các nước để xây dựng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, điều quan trọng nhất trong dự án Luật này là phải phân định được nội hàm an ninh mạng và an toàn thông tin mạng.

Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc