Android là mục tiêu hàng đầu của tin tặc trên thiết bị di động ?

06:10, 18/09/2017
|

(VnMedia) - Hơn 3 triệu phần mềm độc hại mới nhắm vào hệ điều hành Android năm 2016, biến hệ điều hành do Google phát triển này trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của tin tặc trên thiết bị di động, trong đó chủ yếu là điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Năm 2016, lưu lượng truy cập mạng Internet trên di động trên toàn thế giới đã vượt quá lượng truy cập trên máy tính. Không chỉ là xu hướng mà đó còn là một “làn sóng” thực sự ! Tất nhiên, điện thoại thông minh và máy tính bảng đã trở thành mục tiêu hàng đầu của tin tặc.

Mục tiêu chính của những cuộc tấn công là gì? Câu trả lời là các ứng dụng, ngốn gần 90% thời gian duyệt web từ thiết bị di động, theo nghiên cứu do Viện Comscore công bố. Nhà cung cấp các giải pháp bảo mật GData đã xác nhận 3,25 triệu phần mềm độc hại mới nhắm vào Android trong năm ngoái.

Chiếm ngôi vương trên thị trường các thiết bị di động, hệ điều hành của Google là mục tiêu nhắm đến của hầu hết các cuộc tấn công mạng. Báo cáo năm 2017 của F-Secure về an ninh mạng cho biết hơn 99% phần mềm độc hại được thiết kế để tấn công vào các thiết bị di động chạy Android. Một nghiên cứu tương tự chỉ ra hơn 19 triệu phần mềm độc hại được phát triển để lây nhiễm các thiết bị Android.

Cửa hàng ứng dụng Play Store là gót chân Asin của hệ điều hành Android. Một ví dụ điển hình là sự xuất hiện của Igexin. Phần mềm độc hại này có thể  đã xâm nhập vào gần 500 ứng dụng được đề xuất trên Play Store với 500 triệu lượt tải xuống !

Hệ điều hành iOS của Apple liệu có an toàn hơn? Không thực sự, mặc dù cửa hàng ứng dụng App Store đưa ra các quy tắc xác nhận chặt chẽ đối với các ứng dụng, nhưng  vẫn có khoảng 21 triệu lượt tải xuống của các ứng dụng bị nhiễm độc mỗi ngày, theo nghiên cứu của TrendMicro.  Hệ điều hành của Apple cũng là một trong những đích nhắm của tin tặc, là một trong những mục tiêu của các mã độ. Như năm 2016, iOS đã phải đối mặt với sự xâm nhập và lây lan của phần mềm độc hại Trojan Acedeceiver hay gần đây là mã độc  KeRanger.

Bảo mật di động không chỉ là bài toán dành cho các nhà phát triển hệ điều hành mà còn dành cho người dùng thiết bị và thói quen của họ. Chính những người dùng đã vô tình cài đặt các ứng dụng ẩn chứa hiểm họa. Họ nên có ý thức kiểm tra cũng như tham khảo các ý kiến phản hồi của cộng đồng (diễn đàn) mạng và các đánh giá trên cửa hàng ứng dụng đối với ứng dụng mà họ muốn tải về. Trong công ty, việc thiết lập hệ thống bảo mật cũng có thể cấm cài đặt các ứng dụng trên thiết bị di động, hệ thống hoá các cập nhật từ xa của hệ điều hành di động để vá các lỗi bảo mật sớm nhất hoặc gửi đến người sử dụng thông điệp cảnh báo để thường xuyên nhắc nhở họ.

Phạm Lê - Quế Anh


Ý kiến bạn đọc