Giải pháp số hóa tạo cơ sở dữ liệu chuyên ngành tư pháp

16:54, 27/07/2017
|

(VnMedia) - Chiều ngày 26/07/2017, công ty FSI phối hợp cùng Sở thông tin truyền thông thành phố Hồ Chí Minh và Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên đề: “Giải pháp tổng thể số hóa tạo lập cơ sở dữ liệu và ứng dụng CNTT chuyên ngành tư pháp” tại khách sạn New World TP.HCM.

Hội thảo nhằm cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước tại TP.HCM nói chung và ngành Tư pháp nói riêng các giải pháp CNTT tổng thể để số hóa tạo lập cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành trong ngành. Qua đó, góp phần triển khai xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến thành phố thông minh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hội thảo Giải pháp tổng thể số hóa tạo lập cơ sở dữ liệu (CSDL) và ứng dụng CNTT chuyên ngành tư pháp cũng đưa ra lời giải đáp cho các thực trạng còn tồn tại tại ngành tư pháp như: khó khăn trong lưu trữ tài liệu theo năm, khó khăn trong việc cập nhật, tìm kiếm, tra cứu, dữ liệu hộ tịch của ngành, của thành phố,… và từ đó cải cách được các khâu thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Tại hội thảo lần này, các giải pháp được các doanh nghiệp đưa đến bao gồm: Giải pháp số hóa tạo lập CSDL dùng chung cho thành phố, Giải pháp số hóa tạo lập CSDL chuyên ngành tư pháp, Giải pháp hạ tầng thiết bị và bảo mật, Giải pháp dịch vụ công trực tuyến, Giải pháp phần mềm quản lý hộ tịch.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh Lê Quốc Cường cho biết: “Xuất phát từ thực trạng 90% thông tin quan trọng của ngành tư pháp đang được thể hiện trên giấy và chủ yếu được lưu trữ theo phương pháp truyền thống là để trên các giá kệ, kho lưu trữ, từ đó khó khăn trong công tác tìm kiếm, khai thác tài liệu đến bảo quản, cho nên việc tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành tư pháp là điều cần thiết khi thị trường công nghệ thông tin phát triển”.

Theo ông Cường, cơ sở dữ liệu hộ tịch sẽ thu thập, lưu giữ thông tin cá nhân từ khi sinh ra đến khi qua đời, đây là cơ sở quan trọng để quản lý con người, hỗ trợ các cơ quan chức năng liên thông sử dụng và quản lý.

Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Bình cũng nêu nếu có cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc sẽ đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tư pháp và khi tạo được cơ sở dự liệu dùng chung và liên thông được với các cơ quan tư pháp và nhà nước quản lý được chính xác và minh bạch.

Với giải pháp này, quy trình, thời gian tìm kiếm hồ sơ trích lục sao y khai sinh, khai tử hoặc kết hôn tại phòng Tư pháp quận trung bình từ 2-4h có thể rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 5s. Và từ đó cũng góp phần xây dựng một cơ quan, tổ chức Minh bạch – Hiệu quả - Tránh lãng phí, Hướng đến xây dựng, hình thành cơ sở dữ liệu thông tin dân cư trên địa bàn một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời.

Sau khi kết thúc hội thảo, Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Tư pháp sẽ nghiêm túc đánh giá tính hiệu quả, rút ra những bài học kinh nghiệm, trên tinh thần cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp, người dân, và các đơn vị liên quan, từ đó hướng đến việc đưa các Hội thảo chuyên đề trở thành một hoạt động cầu nối giữa chính quyền với doanh nghiệp, góp phần tích cực cho sự phát triển của các bộ, ban ngành liên quan và xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại, có chất lượng sống tốt.

P.V


Ý kiến bạn đọc