Samsung và bài toán được mất khi ồ ạt tung các phiên bản smartphone ra thị trường

18:13, 23/06/2017
|

Với việc tung ra thị trường 15-20 sản phẩm/năm, Samsung ít nhiều thu hút được sự chú ý của khách hàng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nhiều rủi ro khó đoán định trước.  

Thị trường smartphone luôn một trong những thị trường sôi động bậc nhất thế giới với nhiều “đại gia”, nhiều model và cũng rất nhiều phân khúc giá. Chưa có sản phẩm công nghệ nào có thời gian “tại vị” ngắn ngủi như smartphone, sản phẩm nào lâu nhất cũng chỉ 01 năm là có phiên bản mới kế nhiệm.

Một trong những nhà sản xuất đi đầu trong việc liên tiếp tung model smartphone mới ra thị trường là Samsung với khoảng 15-20 sản phẩm/năm (một số lượng nhỏ trong đó có cả tablet). Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Samsung là Apple lại chỉ phát hành ra thị trường khoảng 04 model mới, bao gồm cả iPad. Còn đối thủ đứng thứ 2 là các hãng đến từ Trung Quốc (Oppo, Huawei…), với trung bình 01 hãng có thể cho ra thị trường khoảng 5-6 sản phẩm mới.

Câu hỏi đặt ra là liệu Samsung phát hành nhiều phiên bản smartphone mới như vậy thì lợi nhuận sẽ như thế nào? Câu trả lời là lợi nhuận vẫn chưa bằng Apple!

Vì sản phẩm của Apple được bán ra ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, so với các đối thủ còn lại, lợi nhuận của Samsung tốt hơn rất nhiều. Vì sản xuất ra nhiều sản phầm ở các phân khúc giá khác nhau thì lợi nhuận sẽ không cao bằng chỉ làm sản phẩm ở phân khúc giá cao như Apple.

Các sản phẩm ở phân khúc tầm thấp và tầm trung có biên độ giá thấp. Ví dụ, một chiếc smartphone có giá bán 3 triệu đồng, thì lợi nhuận của nó là 10% cũng chỉ tương đương 300 nghìn đồng (số tuyệt đối của smartphone này khá thấp), trong khi 1 model khác có giá bán là 15 triệu đồng, thì lãi suất của nó là 10% tương đương với 1,5 triệu đồng. Như vậy, số tuyệt đối của smartphone giá 15 triệu đồng gấp 5 lần của smartphone giá 3 triệu đồng.

Những thuận lợi khi sản xuất và phát hành nhiều sản phẩm mới

Thêm một câu hỏi nữa là, vậy tại sao Samsung cũng như các hãng khác không tập trung chỉ sản xuất các smartphone cao cấp? Câu trả lời đến từ mấy vấn đề sau:

Về quy mô sản xuất thì càng sản xuất ra nhiều sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định thì Samsung cũng như các hãng khác càng khấu hao tài sản (các dây chuyền sản xuất) nhanh hơn, tức là họ đã tận dụng được tối đa năng lực cũng như công suất của dây chuyền công nghệ. Họ khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân công, lao động và tiết kiệm được chi phí nhân công. Bù lại, các nhà sản xuất smartphone tránh được rủi ro lượng hàng tồn lớn ở một vài model, đồng thời tăng được số lượng lớn đơn hàng với các nhà thầu phụ, với các công ty vệ tinh, dẫn dến tăng tính lệ thuộc của các công ty vệ tinh vào Samsung và từ đó ép được giá đầu vào linh, phụ kiện xuống thấp.

Về mặt kinh doanh và tiếp thị (marketing), nhờ có nhiều sản phẩm ở mọi phân khúc giá, Samsung cũng gây áp lực cao lên các đối thủ cạnh tranh. Chỉ với vài thay đổi trong cấu hình mà nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc này có từ 2 hoặc 3 phiên bản smartphone khác nhau và có thể cạnh tranh với 01 model của đối thủ. Điều này thể hiện rõ định hướng bủa vây trong chính sách sản phẩm của Samsung (chữ P đầu tiên trong marketing).

Bên cạnh đó, với nhiều sản phẩm ở nhiều phân khúc giá, Samsung đã tối đa hóa việc đáp ứng khả năng chi trả của người tiêu dùng. Dải sản phẩm của Samsung có thiết kế “bắt mắt” lại có bước giá khá gần nhau (mỗi sản phẩm cách nhau khoảng 1 triệu đồng), trong khi các đối thủ vì ít model nên bước giá khác xa nhau (mỗi sp cách nhau đến 2 triệu, thậm chí 3 triệu đồng) dẫn đến người tiêu dùng rất khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm.

Với việc có nhiều model và nhiều mức giá, Samsung đã tăng cơ hội đặt hàng cho các đại lý, giảm thiểu chi phí vận chuyển với mỗi đơn hàng và như thế, hệ thống kênh phân phối của họ luôn được đảm bảo ổn định.

Những khó khăn

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, thì không thể không nói đến những khó khăn mà các nhà sản xuất như Samsung gặp phải.

Khó khăn lớn nhất mà Samsung gặp phải với việc sản xuất nhiều model smartphone trong vòng một năm đó là chi phí marketing rất lớn và rủi ro cũng không hề nhỏ. Bởi vì nếu chiếc lược marketing không tốt sẽ thành phản tác dụng do người tiêu dùng không định hình được sản phẩm nên không biết chọn mẫu nào và cuối cùng quay ra mua sản phẩm của đối thủ. Vì vậy, khâu PR, quảng cáo và khuyến mại… thế nào cho hiệu quả, rõ ràng và gây ấn tượng tốt với người tiêu dùng luôn là thách thức lớn, không phải lúc nào Samsung cũng thành công.

Để tránh cho người tiêu dùng có sự nhầm lẫn về sản phẩm, Samsung phân chia smartphone ra thành 3 phân khúc giá như nhóm giá rẻ và tầm trung là J series (giá từ 2,5 – 6,9 triệu đồng); nhóm trung cao là A series (7,9- 11,5 triệu đồng) và nhóm cao cấp S series (12,5 – 20,5 triệu đồng).

Một trong những bài học đắt giá nhất mà Samsung cũng như người tiêu dùng chưa thể quên đó chính là Galaxy Note 7 được phát hành vào cuối tháng 8 năm ngoái. Ngay sau khi lên kệ chưa được bao lâu, smartphone này đã buộc phải thu hồi và cuối cùng là dừng phát hành ra thị trường toàn cầu.

Nguyên nhân là do kích thước pin của Note 7 lớn hơn so với thiết kế ban đầu. Khi máy hoạt động, pin sẽ nóng lên và nở ra song do kích thước to hơn so với thiết kế nên chỗ dành cho pin trên máy "bị chật". Áp lực lên pin có thể khiến các tấm tích điện cực dương tiếp xúc với tấm tích điện cực âm, dẫn đến bốc cháy.

Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, việc Samsung liên tiếp tung sản phẩm mới ra thị trường dẫn đến thời gian thử nghiệm và hoàn thiện các tính năng, linh kiện trên sản phẩm bị rút ngắn lại một cách đáng kể, nên các sự cố như của Note 7 là điều không thể tránh khỏi. Vụ việc này đã khiến Samsung không chỉ tổn thất về tài chính và còn cả danh tiếng trên thị trường.

Hoàng Thanh
 


Ý kiến bạn đọc