Mỗi năm có hàng nghìn website Việt Nam bị tấn công

13:19, 04/04/2017
|

(VnMedia) - Không chỉ gây nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng, các hoạt động tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu ngày càng gia tăng cả về quy mô và tính chất nguy hiểm.

Thông tin trên được Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng, Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho biết tại Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh bảo mật (Security World) 2017 diễn ra ngày 4/4/2017.

Diễn biến ngày càng phức tạp

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với khoảng 58 triệu người dùng Internet (chiếm 62,76% dân số, đứng đầu Đông Nam Á về số lượng tên miền quốc gia; xếp thứ 2 khu vực Đông Nam Á, thứ 8 khu vực Châu Á, thứ 30 thế giới về địa chỉ IPv4 (tính đến hết tháng 12/2016). Việt Nam cũng đang hòa vào dòng chảy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới, cuộc cách mạng này không chỉ mang lại nhiều cơ hội mà còn tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường về bảo mật. Không gian mạng ngày càng phức tạp hơn, tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống xã hội.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho rằng, khả năng kết nối vô hạn, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian… đang đặt ra nhiều thách thức an ninh mang tính toàn cầu như chiến tranh mạng, khủng bố mạng, tội phạm mạng, gây nhiễu loạn thông tin… Những nguy cơ này không chỉ ảnh hướng tới an ninh quốc gia mà còn liên quan tới an toàn, lợi ích của các cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân. Chúng không chỉ tạo sự nhiễu loại thông tin trên không gian mạng mà còn có các hoạt động tấn công mạng vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu ngày càng gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm.

Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng, Cục An ninh mạng, Bộ Công an chia sẻ tổng quan tình hình an ninh mạng tại Việt Nam năm 2016.

“Mỗi năm, có hàng nghìn trang mạng của nước ta bị tin tặc tấn công, chỉnh sửa, chèn thêm nội dung, cài mã độc, trong đó có hàng trăm trang tên miền .gov.vn của các cơ quan nhà nước. Riêng năm 2016, có tới gần 7000 trang/cổng thông tin điện tử trong nước bị tấn công. Nhiều thiết bị kết nối IoT tồn tại lỗ hổng bảo mật dẫn đến nguy cơ tin tặc khai thác, chiếm đoạt sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công mạng trên thế giới. Đặc biệt, hệ thống thông tin trọng yếu, nhất là hàng không, ngân hàng, viễn thông có nguy cơ bị phá hoại nghiêm trọng bởi các cuộc tấn công mạng, điển hình như vụ tấn công mạng vào ngành hàng không Việt Nam ngày 29/7/2016”, ông Thuận chia sẻ.

Mặt khác, tội phạm mạng sử dụng mạng máy tính xảy ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gia tăng cả về số vụ, tính chất, mức độ nghiêm trọng. Các hành vi tấn công mạng, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua các hoạt động thương mại điện tử, sử dụng các dịch vụ Internet, viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản , tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia, tống tiền…diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hai lớn cho nhiều tổ chức, cá nhân.

Chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật thiết yếu

Trước tình hình tội phạm mạng ngày càng gia tăng với các chiêu thức tinh vi và phức tạp hơn, thì cũng có nhiều yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị tấn công.

Cụ thể, theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu bảo mật thiết yếu. Các cổng thông tin điện tử, website, hệ thống mạng thông tin chưa được xây dựng theo tiêu chuẩn thống nhất, thiếu sự kiểm định an ninh, phần mềm và phần cứng tồn tại lỗi bảo mật, nhiều cơ quan, tổ chức chưa có chính sách đảm bảo an ninh mạng, trong khi đó đa số người dùng lại có tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn….Công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thông tin mạng còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn thông tin…

Do đó, để đảm bảo an ninh  mạng đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, từ việc ban hành và thực thi chính sách, pháp luật của cơ quan quản lý nhà nước, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đảm bảo an toàn, an ninh mạng đến ý thức của mỗi người dân. Hơn nữa, để đối phó hiệu quả với các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng đòi hỏi phải có sự hợp tác toàn cầu, xây dựng một không gian mạng lành mạnh.

B.H


Ý kiến bạn đọc