Lý do Facebook tìm mọi cách thâm nhập Trung Quốc nhưng thất bại

10:47, 20/03/2017
|

Kể từ khi Faecbook bị chặn ở Trung Quốc năm 2009, CEO Mark Zuckerberg đã thuê các quản lý về chính sách có quan hệ tốt, phát triển công cụ kiểm duyệt và chạy bộ ở Quảng trường Thiên An Môn. Thế nhưng, mọi nỗ lực của hãng chẳng đi đến đâu.

Facebook đang "làm mưa làm gió" ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, thế nhưng, có một nơi mà mạng xã hội này dù cố gắng cách nào cũng không thể thâm nhập được: Trung Quốc. Cũng như bất kỳ công ty nào, Facebook nhìn Trung Quốc với ánh mắt "thèm thuồng" khi mà nơi đây có tới 700 triệu người dùng Internet. 

Lần gần đây nhất vào đầu tháng 1/2017, một thông tin xuất hiện với nội dung: quan chức Trung Quốc đã cấp quyền cho phép Facebook mở một văn phòng đại diện tại thủ đô Bắc Kinh. Những tưởng đó sẽ là cơ hội hiếm hoi để mạng xã hội này có chỗ đứng tại đây. Tuy nhiên, con đường không phải trải toàn hoa hồng. Bản quyền của Facebook chỉ kéo dài 3 tháng, ngắn một cách bất thường và nó khiến lãnh đạo công ty nản lòng, chỉ biết "lắc đầu ngao ngán". 

Facebook đã không bao giờ mở văn phòng ở Trung Quốc. Thông tin đăng tải về mở văn phòng giờ đây chỉ còn bản lưu trên website của chính phủ. "Chúng tôi từng có kế hoạch mở văn phòng, tuy nhiên, hiện tại kế hoạch bị huỷ bỏ" - Charlene Chian, người đại diện mạng xã hội lên tiếng. 

Đây chỉ là một phần của câu chuyện về tình trạng khốn khổ của Facebook khi hãng cố gắng thâm nhập thị trường Trung Quốc. Facebook bị cấm cửa ở đất nước tỷ dân vào năm 2009, đã nhiều lần tìm cách thuyết phục các quan chức nước này. CEO Zuckerberg cũng xuất hiện thường xuyên hơn tại Trung Quốc và mạng xã hội này cũng thuê về một lãnh đạo về chính sách có quan hệ tốt, bắt đầu phát triển các công nghệ có khả năng chọn lọc các nội dung theo yêu cầu của chính phủ.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực chẳng đi đến đâu. Facebook chỉ biết ở ngoài nhìn vào và chứng kiến các đối thủ, là những mạng xã hội tại Trung Quốc, giành nhau thị trường mà đáng ra, nếu ở các quốc gia khác thì có lẽ thuộc về Facebook. Weibo, cùng với Tencent, WeChat và QQ hiện là những kẻ thống trị. Mọi chuyện có vẻ như đã muộn màng với Facebook, theo nhận định của Kai-Fu Lee, cựu Giám đốc của Google tại Trung Quốc và giờ là CEO của Innovation Works.

"Ở giai đoạn này và thời điểm này, với những WeChat, Weibo, và các sản phẩm khác, nỗ lực của Facebook sẽ là vô vọng" - Lee nhận định. 

Facebook cũng phải đối mặt với một chính phủ Trung Quốc vốn tỏ ra thận trọng và không muốn có một mạng xã hội nào đó sẽ trở thành một nơi để tranh cãi những quan điểm trái chiều - theo các lãnh đạo trong ngành công nghiệp cũng như các nhân vật quen biết với lãnh đạo Bắc Kinh. Nếu muốn vào Trung Quốc, kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu chính phủ sẽ là điều kiện tiên quyết của mạng xã hội này. 

"Điều quan trọng với Facebook là phải tôn trọng pháp luật và các quy định tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc luôn có một bước tiếp cận mở với các mạng xã hội. Hợp tác với các mạng xã hội mới là điều chúng tôi chào đón" - Guo Weimin, Thứ trưởng Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cho biết. 

Trong khi đó, CEO Facebook Zuckerberg nhận định rằng, Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với tương lai Facebook. "Rõ ràng, bạn không thể hiện thực hoá mục tiêu kết nối mọi người trên thế giới nhưng lại bỏ qua quốc gia lớn nhất thế giới. Trong dài hạn, chúng ta cần tìm ra giải pháp cho vấn đề này" , Zuckerberg nói với các nhà phân tích hồi năm 2015. 

"Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng rất quan tâm tới Trung Quốc và đang dành thời gian để hiểu nhiều hơn về đất nước này. Tuy nhiên, chúng tôi chưa đưa ra quyết định nào về cách tiếp cận thị trường", người đại diện Facebook là Debbie Frost, chia sẻ. 

Triển vọng của Facebook từng sáng sủa hơn vào năm 2005, khi công ty đăng ký tên miền "www.facebook.cn". Website Facebook phiên bản tiếng Trung ra mắt năm 2008 và trở thành một đối thủ nặng ký ở thị trường này. 

Bị cấm cửa

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi vào năm 2009, khi các lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh cấm Facebook và Twitter trong một động thái nhằm giải quyết vụ bạo động tại khu vực tôn giáo Tân Cương. Theo báo chí Trung Quốc, lãnh đạo các cuộc bạo động đã dùng mạng xã hội để xúi giục gây rối.

Trung Quốc trước đó từng chặn, theo kiểu tạm thời, các trang mạng xã hội trong thời gian có bất ổn chính tr, và nhiều người cho rằng mọi thứ sẽ trở lại. Tuy nhiên, thay vào đó Trung Quốc vẫn tiếp tục chặn Facebook và Twitter. Một số người dùng sành công nghệ tìm được cách vượt tường lửa để truy cập, song cuối cùng thì lượng người dùng Facebook cũng ngày càng ít dần theo thời gian. 

Zuckerberg vẫn không hề có ý định từ bỏ. Anh học tiếng Quan Thoại, gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc ở thủ phủ Menlo Park. Anh đáp máy bay sang Trung Quốc để gặp các lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ nhằm duy trì kết nối. 

Facebook hồi năm 2012 từng nói rằng, hãng tiếp tục đánh giá việc thâm nhập Trung Quốc, tuy nhiên, công ty không phủ nhận việc phải đối mặt với những sự phức tạp về mặt pháp lý và quy định. Hãng chuyển hướng tập trung sang việc thu hút các nhà quảng cáo, lập các đội ở Hong Kong và Singapore để tạo mạng lưới như một cách giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận khách hàng ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch Facebook Vaughan Smith tại một cuộc hội nghị về internet ở Trung Quốc. Ảnh: AP.
Phó Chủ tịch Facebook Vaughan Smith tại một cuộc hội nghị về internet ở Trung Quốc. Ảnh: AP.

Trong hơn 2 năm gần đây, Facebook đã đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại Trung Quốc - theo lời các cựu nhân viên và lãnh đạo công ty. Để triển khai hoạt động tại Hong Kong, năm 2014, Facebook thuê Wang-Li Moser, người từng làm việc hơn 1 thập kỷ cho Intel ở Trung Quốc và nổi tiếng với thành tích giúp Intel xây dựng nhà máy trị giá lên tới 2,5 tỷ USD ở quốc gia này, đồng thời giúp Intel củng cố mối quan hệ với chính phủ. Moser có nhiệm vụ giúp Facebook hiểu thị trường Trung Quốc hơn, trong đó bao gồm xây dựng thêm các mối quan hệ trực tiếp với quan chức chính phủ. 

Người quản lý này cuối cùng có vẻ như đã giúp ích cho Facebook. Tháng 12/2014, bà đi cùng Zuckerberg tới một cuộc họp với Lu Wei, một lãnh đạo hàng đầu phụ trách quản lý Internet của Trung Quốc, tại thủ phủ của Facebook. Bà cũng đi theo vị CEO này hồi tháng 3/2016 tới các cuộc họp ở Bắc Kinh với các lãnh đạo chính phủ.

Hồi mùa thu năm ngoái, bà tham dự hội thảo Internet Thế giới của Trung Quốc tại Ô Trấn, hội thảo được tổ chức bởi Cục Quản lý Không gian ảo, các cơ quan quản lý có trách nhiệm xác định các website sẽ bị chặn. 

"Hành động" của Zuckerberg 

Zuckerberg cũng tìm cách tăng sự hiện diện của mình tại đây khi tham gia hội đồng quản trị Trường Kinh tế và Quản lý Đại học Thanh Hoa vào năm 2014. Hội đồng này còn có các quan chức khác bao gồm Giám đốc điều hành Lloyd Blankfein của Goldman Sachs Group và Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple.

Năm 2015, anh có bài phát biểu dài 22 phút bằng tiếng Quan Thoại ở trường đại học. Hồi mùa xuân năm ngoái, Zuckerberg cho đăng tải hình ảnh anh đang chạy bộ cùng một vài người khác tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Tuy nhiên, bức ảnh gây ra rất nhiều tranh cãi, khi mà không khí tại Bắc Kinh đang ở mức ô nhiễm báo động và Zuckerberg thì không hề đeo khẩu trang. Trong chuyến đi Seattle năm 2008 của Tổng thống Trung Quốc Tập Cận Bình, Zuckerberg là một trong những chủ doanh nghiệp Mỹ gặp gỡ lãnh đạo này.

Mr. Zuckerberg gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Washington năm 2015.
Mr. Zuckerberg gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Washington năm 2015.

Facebook cũng nhanh chóng mở rộng đội phát triển đội bán hàng của mình ở Singapore và Hong Kong với mong muốn mở rộng kinh doanh ở châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc. Amin Zoufonoun, người phụ trách phát triển doanh nghiệp của Facebook và từng giúp mạng xã hội này thực hiện các vụ thâu tóm lớn, đang cân nhắc tham gia các liên doanh có thể giúp Facebook tăng trưởng mạnh mẽ ở Trung Quốc nếu mạng xã hội này được phép hoạt động trở lại. Trong vòng 1 năm qua, Zuckerberg đã chỉ đạo các kỹ sư của mình bắt đầu xây dựng và điều chỉnh các sản phẩm để có thể được sử dụng ở Trung Quốc. Facebook đã phát triển các công nghệ có khả năng chặn một số nội dung ở Trung Quốc. Tờ New York Times trước đây có bài viết cho biết, Facebook đang phát triển một công cụ để cho phép bên thứ ba chặn nội dung.

Hoàn cảnh mà Facebook đối mặt ở thời điểm này khác với cách đây một thập niên, khi Moser còn làm cố vấn cho Intel. Lúc đó, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc vẫn còn kém phát triển, lãnh đạo Trung Quốc thiết tha với các hãng công nghệ nước ngoài. Còn giờ đây, Trung Quốc tìm cách bảo vệ các hãng công nghệ trong nước đang nổi, trong khi Facebook không có tiềm năng để tạo ra số việc làm tương đương các công ty về phần cứng như Intel hay Apple.

Ở một vài quốc gia, Facebook đồng ý gỡ bỏ các nội dung bất hợp pháp, như xoá các nội dung ủng hộ Đức Quốc xã tại Đức. Nhưng luật pháp Trung Quốc lại yêu cầu nhiều hơn thế và sự kiểm duyệt này chính là nguyên nhân mà Google phải từ bỏ thị trường đất nước tỉ dân. 

Các lãnh đạo Facebook lo lắng rằng, việc đồng ý kiểm duyệt quá gắt gao có thể tạo ra một phản ứng dữ dội từ 1,8 tỷ người dùng trên toàn cầu. Một trở ngại khác cho Facebook có thể là hậu quả của sự ra đi của Google. Năm 2010, Google cho biết họ sẽ ngừng kiểm duyệt công cụ tìm kiếm sau khi kết luận hacker Trung Quốc đang tấn công các tài khoản Gmail của các nhà hoạt động nhân quyền. Hãng rút công cụ tìm kiếm khỏi Trung Quốc, chuyển hướng người dùng đến trang web ở Hong Kong. Các quan chức Trung Quốc về sau phủ nhận có liên quan đến các cuộc tấn công vào Google.

Sau khi Google ra đi và có những tuyên bố về nhân quyền, các quan chức chính phủ công khai gọi Google là "không thân thiện" và "vô trách nhiệm". Còn với Facebook, sau khi chứng kiến những gì xảy ra với Google, công ty có thể sẽ đi theo con đường của hãng tìm kiếm nếu cảm thấy không thể chấp nhận công cụ kiểm duyệt. 

Dù Facebook không thể phát triển mạng xã hội ở Trung Quốc ở thời điểm hiện tại, các lãnh đạo hàng đầu công ty vẫn tiếp tục thúc giục các công ty Trung Quốc sử dụng Faecebook như một nền tảng quảng cáo. Giám đốc điều hành Facebook Sheryl Sandberg đã gặp một nhóm khách hàng quảng cáo nhỏ tại một khách sạn sang trọng ở Bắc Kinh vào mùa hè năm ngoái, dù đây chỉ là một cuộc gặp mặt với quy mô nhỏ. 

Amanda Chen, người quản lý mảng quảng cáo doanh nghiệp nhỏ của Facebook ở Trung Quốc, tham dự một hội nghị về thương mại điện tử năm 2016 tại Quảng Châu.
Amanda Chen, người quản lý mảng quảng cáo doanh nghiệp nhỏ của Facebook ở Trung Quốc, tham dự một hội nghị về thương mại điện tử năm 2016 tại Quảng Châu.

 Vài tháng sau đó, Amanda Chen, người quản lý mảng quảng cáo doanh nghiệp nhỏ của Facebook, xuất hiện tại một hội nghị thương mại điện tử khu vực ở Quảng Châu. Chen phát biểu trước những người tham dự rằng, Facebook có thể giúp các doanh nghiệp Trung Quốc "đi ra biển" và tăng doanh số bán hàng quốc tế bằng cách mua quảng cáo trên Facebook. Tuy nhiên, những người tham dự sau đó yêu cầu cô kết nối với họ trên WeChat, mạng xã hội được ưa chuộng tại Trung Quốc. Họ không thể gửi yêu cầu kết bạn bạn với cô trên Facebook, và thực tế đó cho thấy, Facebook đang tìm mọi cách thâm nhập thị trường này, nhưng dường như kết quả mang lại không khả quan. 

                                                                                              Theo ictnews


Ý kiến bạn đọc