5 sự thật ít biết về tỷ phú Đài Loan đứng sau đế chế Foxconn

10:40, 18/02/2017
|

Là người sở hữu nhà máy lắp ráp iPhone độc quyền cho Apple và cũng là tỷ phú giàu nhất nhì Đài Loan, nhưng những thông tin liên quan đến Terry Gou cũng bí ẩn như chính "tử cấm thành" Foxconn mà ông đã mất cả đời để gây dựng.

Terry Gou, người đàn ông Đài Loan đứng sau đế chế Foxconn mới đây tuyên bố có thể xây dựng nhà máy sản xuất màn hình iPhone trị giá 7 tỷ USD tại Mỹ nhằm đáp ứng mục tiêu tạo ra nhiều việc làm hơn cho người Mỹ theo mong muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Năm ngoái, ông cũng chính là "nhạc trưởng" đứng sau thương vụ thâu tóm hãng sản xuất thiết bị điện tử Sharp của Nhật Bản với giá chỉ 3,5 tỷ USD, thay vì 6,2 tỷ USD như dự tính ban đầu.
 
Theo ước tính của Forbes, vị tỷ phú người Đài Loan hiện nắm giữ khối tài sản khoảng 7,4 tỷ USD.
 
Năm 2016, Tạp chí Harvard Business Review chọn Terry Gou, Chủ tịch của Hon Hai Precision là nhà lãnh đạo xuất sắc nhất năm của Đài Loan.
 
Thông tin về Hon Hai Precision hay còn được biết đến với tên gọi quen thuộc Foxconn Technology Group có thể xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, tuy nhiên, thông tin về ông chủ Terry Gou của đế chế này lại khá ít ỏi. 
5 sự thật ít biết về tỷ phú Đài Loan đứng sau đế chế Foxconn
Chủ tịch Foxconn Technology Group Terry Gou. Ảnh: Getty Images.

Tạp chí Forbes mới đây đã bật mí một số thông tin khá ít người biết về tỷ phú Terry Gou:

1. Công ty của Terry Gou không "ngán" các vụ kiện
 
Năm 2013, Hon Hai đã khởi kiện một tờ báo Đài Loan vì hai lần liên tiếp đăng tải thông tin về đơn tố cáo của một nhân vật tình nghi chĩa vào ông chủ Terry Gou. Hơn một thế kỷ trước công ty này cũng từng kiện hai nhà báo Trung Quốc vì viết bài liên quan đến xưởng sản xuất của công ty tại Trung Quốc.
 
2. Ông là người khá thẳng thắn
 
Năm 2015, Terry Gou từng công khai chỉ trích chính phủ của cựu Tổng thống Mã Anh Cửu vì các chính sách liên quan đến thuế trước khi diễn ra cuộc bầu cử vào năm sau. Ông đã yêu cầu tổng thống ngay lập tức ký một thỏa thuận cắt giảm thuế đối với các hàng hóa được giao dịch với Trung Quốc, nơi mà nhà máy lớn nhất của công ty đang phải đối mặt với bê bối về việc công nhân tự tử.
 
Vào tháng 6 năm ngoái, ông cũng không ngần ngại chỉ trích chính phủ vì đã chi tiêu lãng phí cho những dự án không cần thiết, chẳng hạn như việc xây dựng một sân vận động tại Đài Bắc mà ông cho rằng nó thật vô dụng.
 
3. Terry Gou khá dè dặt với báo chí
 
Ông thường không khước từ các yêu cầu trả lời phỏng vấn của các phương tiện truyền thông. Phóng viên của Forbes cho biết đã từng liên hệ với ông hai lần để xin phỏng vấn nhưng đều bị từ chối. 
 
Lần hiếm hoi mà báo chí có thể tiếp cận ông để có một bài phỏng vấn dài là vào năm 2007. Khi đó, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đã thực hiện phỏng vấn ông Terry Gou tại trụ sở chính của Hon Hai ở Đài Loan. Đây là cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên của ông với giới truyền thông phương Tây kể từ năm 2002. “Tôi không thích mình nổi tiếng. Chúng tôi (Hon Hai) quá lớn đến nỗi chúng tôi không thể trốn được nữa”, ông giải thích. Tuy nhiên, để có được cuộc phỏng vấn này Wall Street Journal đã mất hơn 5 năm chờ đợi sau khi đưa ra lời đề nghị.
 
4. Ông không bao giờ ngừng làm việc 
 
Terry Gou được mô tả như một người luôn làm việc không ngừng nghỉ và điều đó cũng đã trở thành một trong những chiến lược phát triển quan trọng của công ty. Ông đã phát triển Hon Hai trở thành đế chế như ngày hôm nay nhờ sự siêng năng và tính kỷ luật. 
 
Theo một tờ báo Đài Loan, nguyên tắc này cũng được ông thường xuyên nhắc lại với 114.000 nhân viên của công ty. 
 
Dù là một người rất đam mê công việc, nhưng con cái ông thì không ai tỏ ra quan tâm đến việc kế thừa vị trí của cha tại công ty. Con trai ông làm việc trong lĩnh vực sản xuất phim và kinh doanh bất động sản, còn con gái quản lý tổ chức từ thiện thay cho người mẹ đã mất.
 
5. Hiến 90% tài sản làm từ thiện
 
Năm 2005, Terry Gou trải qua nỗi buồn vô hạn khi người vợ mà ông tin tưởng giao mọi thứ qua đời. Năm 2008, sau khi tái hôn với một biên đạo múa ông đã quyết định tặng 90% tài sản cá nhân làm từ thiện.
 
Trong khoảng 20 năm qua, ông cũng đã đóng góp không ít cho các hoạt động từ thiện, trong đó có khoản 454 triệu USD cho nghiên cứu ung thư tại Đại học quốc gia Đài Loan và hai lần tặng 100 triệu USD Đài Loan cho các nỗ lực cứu hộ động đất và sóng thần tại Nhật Bản tháng 3/2011.

Theo Bizlive


Ý kiến bạn đọc