Triển khai 4G thành công là phải có nhiều người sử dụng!

07:11, 14/01/2017
|

(VnMedia) - Theo ông Thiều Phương Nam - Giám đốc Qualcomm Đông Dương và Việt Nam, một trong những yếu tố thành công của triển khai 4G là phải có nhiều người sử dụng. Hiện nay, tại Việt Nam có 125 triệu thuê bao di động, tuy nhiên, có 50% dùng 2G. Như vậy, để các nhà mạng thành công, cần phải chuyển từ 2G sang 4G.

Điều kiện không thể thiếu để xây dựng hạ tầng CNTT, Viễn thông

Chia sẻ với báo giới, ông Thiều Phương Nam cho hay, hướng tập trung của Qualcomm tại Việt Nam trong 2017 là giúp Việt Nam triển khai thành công công nghệ 4G LTE. LTE sẽ là nền tảng công nghệ di động tạo hạ tầng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. LTE cũng là điều kiện cần thiết để Việt Nam xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông cho sự phát triển  trong  tương  lai. 

Mục  tiêu  của  chính  phủ hiện  nay  là  mang  băng thông  rộng đến  90%  dân  số Việt  Nam  vào  năm 2020, và theo ông Nam, nếu  không  có  công  nghệ  LTE, mục  tiêu  này khó đạt được do các đường cáp khó có thể đưa đến vùng sâu vùng xa. 4G LTE sẽ thúc đẩy GDP Việt Nam phát triển hơn.

Ông Nam phân tích, mỗi quốc gia sử dụng băng rộng 10% thì sự thúc đẩy phát triển của LTE trong đó là 1%. Hiện nay, IoT đang ở giai đoạn khởi đầu tại Việt Nam, nhưng các lĩnh vực tiềm năng như thành phố thông minh, y tế di động, giáo dục trực tuyến đều cần nền tảng LTE để phát triển. Và do đó, LTE sẽ là mục tiêu chính của Qualcomm tại Việt Nam.

LTE cũng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà sản xuất thiết bị di động, thiết bị thông minh. Sẽ có một làn sóng đổi mới thiết bị di động trong thời gian tới. Dự báo đến 2020, khoảng 85% thiết bị di động tại Việt Nam sẽ sẵn sàng cho LTE. Một trong những trọng tâm khác của Qualcomm là hỗ trợ ngành sản xuất thiết bị tại Việt Nam trong năm 2017.

Việt Nam đang có cơ hội lớn do sự dịch chuyển hạ tầng thiết kế, sản xuất thiết bị di động từ các nước khác sang Việt Nam. Về lĩnh vực sản xuất thiết bị di động, Việt Nam hiện đứng thứ hai trên thế giới. Một số lượng lớn thiết bị di động được sản xuất tại Việt Nam. Sự dịch chuyển đó tạo nền tảng tốt cho các công ty Việt Nam tham gia chuỗi giá trị cung cấp thiết bị di động trên thế giới.

Hiện nay, Qualcomm đang làm việc với các đối tác để giúp họ sử dụng công nghệ, bằng sáng chế và thiết kế tham chiếu của Qualcomm trong việc thiết kế, sản xuất thiết bị di động không chỉ cho Việt Nam, mà còn cung cấp cho thế giới.

VNPT là doanh nghiệp đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam.
VNPT là doanh nghiệp đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam.

Tối ưu hóa 4G để có chất lượng tốt nhất

Mục tiêu quan trọng nhất của Qualcomm trong năm 2017 là giúp Việt Nam triển khai thành công 4G LTE. Để làm được việc này, có rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện với các nhà hoạch định băng tần, chính sách tại Việt Nam, nhà mạng, nhà sản xuất thiết bị di động, nhà làm nội dung.

Chẳng hạn, hiện tại các thử nghiệm LTE cho thấy thiết bị mau hết pin. Thực tế, công nghệ LTE không làm thiết bị mau cạn pin hơn  3G, tuy  nhiên,  công  nghệ  4G  triển  khai  tại  Việt  Nam  còn  rất  mới  và chưa tối ưu. Các  kỹ  sư Qualcomm hiện đang giúp Việt Nam tối ưu mạng 4G và sẽ áp dụng phương pháp đó để có mạng 4G chất lượng tốt khi triển khai rộng rãi.

Về chính sách, các nhà mạng đang chuẩn bị triển khai mạng 4G trên băng tần 1800MHz. Tuy nhiên, để thật sự mang đến trải nghiệm 4G, các nhà mạng cần có công nghệ gộp sóng mang (CA), phải có băng tần, nhà nước cần có kế hoạch đấu giá các băng tần khác như 2600MHz, 2300MHz. Qualcomm tham gia tư vấn thường xuyên cho các hội thảo với các nhà hoạch định chính sách băng tần như Cục Tần số - Bộ Thông tin và Truyền thông. Qualcomm cũng đã nhận được các yêu cầu của chính phủ trong việc tư vấn và chuẩn bị chính sách cho 4G. Bên cạnh đó, Qualcomm cũng thường xuyên làm việc với các nhà sản xuất thiết bị. Các thiết bị 4G tại Việt Nam phải phù hợp với nhu cầu sử dụng tại Việt Nam.

Doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu và sẵn sàng tiên phong dịch vụ 4G

Trong năm 2016, 3 doanh nghiệp viễn thông lớn tại Việt Nam gồm VNPT, Viettel và MobiFone đã nhận được giấy phép cung cấp dịch vụ 4G nhưng tới thời điểm này, mới chỉ có VNPT là đơn vị duy nhất tiên phong thương mại hóa cung cấp 4G tại huyện đảo Phú Quốc.

Tại thời điểm này, khi cuộc đua 4G mới bắt đầu, dịch vụ 4G được coi là yếu tố quan trọng nhất quyết định thế cạnh tranh và bứt phá của các doanh nghiệp viễn thông. Theo nhận định của chuyên gia Qualcomm, một trong những yếu tố thành công của triển khai 4G là phải có nhiều người sử dụng. Hiện nay, tại Việt Nam có 125 triệu thuê bao di động, tuy nhiên, có 50% dùng 2G. Như vậy, để các nhà mạng thành công, cần phải chuyển từ 2G sang 4G.

Nắm rõ xu hướng này, là đơn vị chủ lực của VNPT trong phát triển dịch vụ CNTT và GTGT trên mạng di động, VNPT - Media xác định rõ sẽ gánh trên vai sứ mệnh này. Thành bại trong kinh doanh 4G phụ thuộc rất nhiều vào sự hấp dẫn của các dịch vụ giá trị gia tăng "chạy" trên đó.

Do đó, để đón đầu xu hướng này, năm 2016, đội ngũ nghiên cứu phát triển của VNPT-Media đã tập trung nghiên cứu những sản phẩm ứng dụng. Có thể kể đến các sản phẩm dịch vụ liên quan đến video thời gian thực, các công nghệ nén tối ưu cho Video, các công nghệ xử lý hình ảnh, xử lý video, công nghệ nhận dạng ảnh...Sản phẩm đầu tiên trên nền tảng này được VNPT - Media khai trương trong thời gian gần đây là mạng xã hội kết nối người nổi tiếng Ceeme đã tạo được hiệu ứng tốt trên thị trường.

Phát biểu tại Hội nghị Kế hoạch năm 2017 của VNPT-Media mới đây, Tổng Giám đốc VNPT-Media Ngô Diên Hy khẳng định, năm 2017, việc hạ tầng 4G triển khai rất mạnh mẽ tại Việt Nam sẽ là cơ hội lớn đối với Tổng Công ty VNPT-Media. Để đón đầu cơ hội đó, VNPT-Media đã chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng cho "cuộc chiến" 4G.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc