VNPT sẽ là Tập đoàn CNTT mạnh của quốc gia!

07:13, 23/12/2016
|

(VnMedia) - “Dự kiến đến năm 2020, VNPT cần có khoảng 10.000 nhân lực chuyên về CNTT” - Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT Trần Mạnh Hùng tại buổi ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội.

Hợp tác chiến lược Viễn thông-CNTT với nhiều đối tác

Cùng với những bước tiến dài trong tái cơ cấu mô hình tổ chức hoạt động, VNPT cũng chuyển hướng mạnh sang lĩnh vực CNTT thông qua việc hiện thực hóa các bản ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về VT-CNTT với gần 50 tỉnh, thành phố và các Bộ, Ngành, doanh nghiệp. Trong các thỏa thuận hợp tác này, VNPT không chỉ hợp tác và hỗ trợ các đối tác triển khai xây dựng hạ tầng VT-CNTT đáp ứng yêu cầu triển khai Chính quyền điện tử, xây dựng giải pháp tổng thể an toàn an ninh thông tin, mà VNPT còn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực VT-CNTT theo nhu cầu cho các tỉnh, thành phố đã hợp tác. Còn đối với các doanh nghiệp, ngoài hợp tác và hỗ trợ đối tác triển khai xây dựng hạ tầng VT-CNTT đáp ứng yêu cầu quản lý, kinh doanh của chính doanh nghiệp ấy, VNPT còn hợp tác để cùng phát triển các dịch vụ của cả đôi bên, thúc đẩy và hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Trong 2 năm 2014-2015, VNPT đã định hướng chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống (Telco) sang những dịch vụ thuộc mảng CNTT, nội dung và giá trị gia tăng; trong đó, Tổng Công ty Truyền thông (VNPT-Media) - Được hình thành trong quá trình tái cấu trúc, là nòng cốt. Tuy mới thành lập hơn 1 năm, nhưng VNPT-Media hiện đã làm chủ nhiều platform quan trọng và từ đó, sẽ thực hiện "may đo" sản phẩm cho từng đối tượng khách hàng cụ thể. Đó là khẳng định của ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT tại Hội nghị đánh kết quả tái cấu trúc VNPT giai đoạn 2014-2015.

Cụ thể, VNPT-Media đã tổ chức lại đội ngũ phát triển dịch vụ GTGT và làm chủ được nhiều công nghệ nền cho dịch vụ GTGT, như: Đã tự phát triển được các platform dịch vụ cho hệ thống truyền hình tương tác đa màn hình trên công nghệ IPTV, màn hình đa công nghệ, nhạc chuông chờ, hay các dịch vụ trên nền livestreaming… theo xu hướng phát triển của S.M.A.C (Social/Xã hội, Mobility/Di động, Analytic/Phân tích, Cloud/Đám mây), 4G, Big data... là cái đích mà các nhà mạng viễn thông và các công ty cung cấp các dịch vụ nội dung, GTGT khác phải hướng tới. Mặt khác, VNPT-Media cũng đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái tích hợp trọn gói các dịch vụ đa phương tiện trên nền tảng công nghệ và Internet lớn nhất Việt Nam, từ đó đưa các sản phẩm/dịch vụ của mình ra thị trường quốc tế.

Đặc biệt là trong năm 2016, VNPT đã nhận được đơn hàng của 03 địa phương là Tp. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Kiên Giang về xây dựng thành phố thông minh (Smart city) tại Tp.HCM, Đà Lạt và Phú Quốc. Đây là mảng dự án mới đã được VNPT dày công nghiên cứu, phát triển mô hình chuẩn dựa trên công nghệ điện toán đám mây và CNTT thế hệ mới nhằm giải quyết những vấn đề “nóng” trong quản lý đô thị hiện nay, như: Tình trạng ách tắc giao thông; Quản lý môi trường; Quản lý Y tế và sức khỏe; Quản lý Giáo dụ;... chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, nhằm mang lại những tiện ích mới, hiện đại cho người dân, đồng thời giúp công tác quản lý của chính quyền các cấp luôn thông suốt.

Chú trọng nguồn nhân lực CNTT

Thực hiện Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu VNPT, đến hết năm 2015, VNPT đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra và chính thức đi vào hoạt động theo mô hình ba lớp: Hạ tầng - Dịch vụ - Kinh doanh, theo phương châm: “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả”.

Hiện VNPT có khoảng 38.000 cán bộ công nhân viên và dự kiến nhân lực của khối CNTT ngày càng tăng, trong khi tỷ lệ cán bộ lao động tại khối Điện tử - Viễn thông sẽ càng ngày càng giảm. Trong quá trình tái cấu trúc, VNPT đã thực hiện chuyển gần 2.000 lao động từ khối Điện tử - Viễn thông sang khối IT, tiến hành đào tạo các kỹ năng cho đội ngũ này để phù hợp với xu hướng chuyển dịch sang lĩnh vực CNTT của Tập đoàn cũng như đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.

“Dự kiến đến năm 2020, VNPT cần có khoảng 10.000 nhân lực chuyên về CNTT” - Đó là khẳng định của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng tại buổi ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội. Tại đây, ông Hùng còn cho biết, hiện Quỹ Khoa học Công nghệ của VNPT có khoảng gần 500 tỷ đồng và hàng năm có thể trích thêm 300-400 tỷ đồng nữa để đầu tư cho khoa học công nghệ. Cũng theo ông Hùng, bên cạnh ba trụ cột hiện nay của VNPT là hạ tầng, dịch vụ và kinh doanh, trong thời gian tới, VNPT sẽ hình thành đơn vị trụ cột thứ tư là CNTT để tập trung nguồn lực hơn nữa, chiếm lĩnh thị trường. Và sau tuyên bố đó, Công ty VNPT Soft - đơn vị chủ lực, chuyên trách về CNTT của VNPT (trực thuộc VNPT-Media) đã chính thức được thành lập.

Tất cả những điều trên đã cho thấy, VNPT đang rất chú trọng đầu tư nghiên cứu, phát triển lĩnh vực CNTT. Hiện VNPT đang chuyển hướng mạnh sang mảng công nghệ ICT và hướng làm chủ về mặt công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Sự chuyển hướng mang tính chiến lược của VNPT đang hướng về lĩnh vực điện toán đám mây, Big Data, phân tích dữ liệu, IoT, Smart city…, đồng thời còn như đẩy nhanh việc xây dựng Chính phủ điện tử cho những tỉnh thành phố mà VNPT đã ký kết hợp tác.

Như vậy, sau hơn 2 thập kỷ (1990 - 2010) đẩy mạnh phát triển mạng lưới và các dịch vụ viễn thông, giờ đây, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT đang từng bước đẩy mạnh các dịch vụ cũng như nền công nghiệp công nghệ thông tin, trở thành Tập đoàn CNTT mạnh của quốc gia.


P.V


Ý kiến bạn đọc