Lo sợ Donald Trump, Apple chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ

21:14, 18/11/2016
|

 (VnMedia) - Apple đang thảo luận với các nhà cung cấp thiết bị để chuyển dây chuyền sản xuất iPhone từ Trung Quốc về Mỹ, trước khi chính sách “cứng rắn” của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đối với các công ty của Mỹ đang hoạt động ở nước ngoài trở thành hiện thực.

Theo một bài báo của Nhật Bản Nikkei, Apple đã thảo luận vấn đề trên với các nhà cung cấp lớn như Foxconn và Pegatron, để yêu cầu họ khảo sát lại các kế hoạch mà có thể cho phép họ chuyển giao dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về Mỹ.
 
 
Có thông tin cho rằng công ty Pegatron đã từ chối thực hiện yêu cầu trên, phần lớn là liên quan đến vấn đề chi phí khi tiến hành chuyển đổi, vì vậy Apple đang cố gắng tập trung các phương án cụ thể để hợp tác với công ty Foxconn. Tuy nhiên, chủ tịch của Foxconn cho rằng kế hoạch di chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện iPhone về Mỹ không phải là ý kiến hay, vì như vậy chi phí quá tốn kém. Rất có khả năng Apple sẽ không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các đối tác của mình.
 
Chỉ di chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPhone về Mỹ
 
Một trong những lời hứa của ông Donald Trump trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ là sẽ áp mức thuế nhập khẩu 45% lên các sản phẩm của Trung Quốc. Và ông muốn các công ty của Mỹ phải quay về sử dụng lực lượng lao động của địa phương cũng như đưa các mặt hàng chủ lực về sản xuất trong nước.
 
Nếu lời hứa trên trở thành sự thật, thì những công ty như Apple sẽ chịu tổn thất vô cùng nặng nề. Bên cạnh đó, các hoạt động triển khai sản xuất kinh doanh của công ty này ở Trung Quốc cũng gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, vào tháng 4 vừa qua, ứng dụng iTunes của Apple và các cửa hàng iBooks đã đột ngột bị cấm hoạt động ở Trung Quốc vì một lý do không được tiết lộ. Ngay sau đó, vào tháng 5, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành điều tra Apple về các vấn đề có liên quan đến bảo mật. Chưa kể nếu Mỹ áp dụng chính sách áp thuế xuất khẩu 45% lên các mặt hàng Trung Quốc, thì phía Trung Quốc cũng sẽ không ngại ngần đáp trả lại.
 
 
Mặc dù không muốn, nhưng rõ ràng Apple phải có phương án đối phó trước kịch bản trên, sẽ rất khó để công ty này có thể di toàn bộ dây chuyền sản xuất về Mỹ một sớm, một chiều được. Theo ước tính, chi phí sản xuất 1 chiếc iPhone tại Mỹ sẽ cao gấp 2 lần so với sản xuất ở Trung Quốc. Hiện Apple được cho là đang lên kế hoạch di chuyển 1 phần dây chuyền sản xuất theo yêu cầu của ông Trump.
 
Ngoài ra, rất có khả năng, Apple sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính để đầu tư quay trở lại Mỹ, trong điều kiện chi phí sản xuất sẽ cao hơn, nhưng vào lúc này chắc công ty đã chuẩn bị cho mình những tình huống tệ nhất có thể xảy ra khi ông Trump áp mức thuế xuất cao chưa từng có.
 
So với ứng cử viên Đảng Dân chủ bà Hillary Clinton, ông Donald Trump không có mối quan hệ tốt với thung lũng Silicon Valley. Bằng chứng là hồi tháng 7 vừa qua, trước thời điểm diễn ra Bầu cử tổng thống Mỹ hơn 3 tháng, một loạt các lãnh đạo công nghệ ký tên vào lá thư mở và gọi ông là “thảm họa đối với đổi mới”. Trong số này, có những cái tên nổi bật như Dustin Moskovitz, đồng sáng lập Facebook; Jimmy Wales, đồng sáng lập Wikipedia; Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple; Aaron Levie, đồng sáng lập kiêm CEO Box. Vài cái tên hiếm hoi ủng hộ ông Trump làm Tổng thống có nhà sáng lập PayPal Peter Thiel và nhà sáng lập Oculus Palmer Luckey. Tuy vậy, chính sách đóng thuế tối đa 15% của ông Trump có thể giúp ông giành được sự ủng hộ từ những công ty nổi tiếng với các chiêu trò né thuế như Google và Apple.
 
Và giờ đây, Donald Trump đã trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, mặc dù có thể chỉ có 1 số ít người mong đợi điều và bây giờ các hãng công nghệ như Apple, Microsoft đang rất lo lắng vì không biết sẽ sống sót thế nào trong vòng 04 năm dưới thời ông Trump.
 
 
 
Hoàng Thanh (theo Smedia)

Ý kiến bạn đọc