71% người dùng "chat" với người bán trước khi mua hàng online

17:03, 22/11/2016
|

Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trên di động Shopee vừa công bố dữ liệu cho thấy có đến 71% người mua hàng liên lạc với người bán qua di động trong quá trình đưa ra quyết định mua hàng.

Mục đích của các cuộc trao đổi này là để người dung hỏi thêm thông tin sản phẩm, kiểm tra thời điểm giao hàng hoặc thậm chí chỉ vì muốn có cảm giác yên tâm hơn khi giao dịch.

Điều này cho thấy thói quen mua hàng trực tuyến tại Việt Nam ảnh hưởng khá nhiều từ văn hóa chợ truyền thống. Theo Shopee, người Việt thường thích mua hàng khi biết người bán là ai, muốn được nói chuyện thêm để được tư vấn, quyết định dựa trên lời khuyên từ người đi trước.

Kết quả của khảo sát thực hiện bởi dịch vụ nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy 43% người tiêu dùng từng mua sắm trên Facebook. Lý do lớn nhất khiến người dùng lựa chọn mạng xã hội để mua sắm là vì dễ đặt hàng, giá cả đa dạng và thông tin thường xuyên được cập nhật. Yếu tố quen thuộc với người bán cũng khá quan trọng khi 21% người được hỏi chọn lý do này khi cần mua hàng qua mạng xã hội.

Xu hướng mua hàng online bằng điện thoại di động (M-ecommerce) đang ngày càng trở lên phổ biến trong đời sống do sự phát triển mạnh mẽ của smartphone. Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao nhất toàn cầu. Có đến 46% người tiêu dùng Việt Nam cho biết họ mua một sản phẩm hoặc dịch vụ bằng thiết bị di động trong 6 tháng qua.

Thống kê cho thấy, số người sử dụng điện thoại để mua sắm cao dần từ đầu giờ làm việc (8h sáng), tăng dần vào nghỉ trưa (12h - 14h) và đạt cao nhất vào thời điểm trước khi đi ngủ (22h - 23h).

Thói quen mua sắm bằng thiết bị di động tại Việt Nam
Thói quen mua sắm bằng thiết bị di động tại Việt Nam

Không chỉ vậy, thời điểm trong tuần cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến thói quen mua sắm trên di động. Vào các ngày cuối tuần, khách hàng có xu hướng ít online vào buổi đêm để mua sắm, chỉ bằng 75% so với thông thường, trong khi các khung giờ khác không có nhiều sự thay đổi.

Một điều khá thú vị khiến thị trường Việt Nam khác biệt với một số quốc gia là sự chênh lệch giữa giờ cao điểm và thấp điểm khi mua sắm. Ở các thị trường khác như Singapore hay Malaysia, khi tăng đến mức cao vào giờ nghỉ trưa, số lượng người mua sắm trên di động có xu hướng giữ nguyên cho đến giờ đi ngủ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, con số này giảm sâu vào khoảng thời gian 18h - 19h, chỉ bằng 60% so với thời điểm 22h - 23h.

Khung giờ mua sắm trên di động tại Singapore
Khung giờ mua sắm trên di động tại Singapore

Theo VTV Online


Ý kiến bạn đọc