9 tháng đầu năm, VNPT tăng trường tốt cả doanh thu và lợi nhuận

09:15, 06/10/2016
|

(VnMedia) -  Thông tin trên được ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT chia sẻ tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vào chiều ngày 5/10/2016.

Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tốt

Theo ông Long, trong 9 tháng đầu năm, VNPT đã có bước tăng trưởng tốt về kinh doanh, lợi nhuận đạt 76,5% so với kế hoạch, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Về doanh thu, 9 tháng đầu năm, Tập đoàn VNPT đã thực hiện 95.200 tỷ đồng, tương ứng với 73% kế hoạch.

“Với mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong 9 tháng, chắc chắn đến cuối năm, VNPT sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu”, ông Long khẳng định.

9 tháng đầu năm 2016, VNPT đã có bước tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận.

9 tháng đầu năm 2016, VNPT đã có bước tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận

Còn về thuê bao, trong 9 tháng đầu năm, thuê bao di động VinaPhone phát sinh cước tăng 5.529.000 thuê bao, tăng so với cùng kỳ 51%, thuê bao megaVNN phát triển mới được 1,2 triệu thuê bao, đạt 96% kế hoạch, việc phát triển thuê bao cáp quang khá tốt so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng tới 8,5 lần. Trong 9 tháng đầu năm, Tập đoàn VNPT đã nộp ngân sách 75,2% và tăng 11% so với cùng kỳ.

Về công tác thoái vốn, về cơ bản VNPT hoàn thành đúng tiến độ Tập đoàn đã đăng ký với Chính phủ và với Bộ TT&TT. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện nay, công tác thoái vốn gặp khó khăn tại 2 đơn vị - Công ty Tài chính Bưu điện và Ngân hàng TMCP Hàng Hải.

Về tin nhắn rác, trong 9 tháng đầu năm, Tập đoàn VNPT đã ngăn chặn 6 triệu tin nhắn rác, trong quý 3 số lượng tin nhắn rác có tăng, tăng khoảng 2 triệu tin nhắn.

Nên quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền

Riêng thuê bao truyền hình myTV phát triển thấp - mới đạt được 40% kế hoạch. Tổng Giám đốc VNPT cũng kiến nghị Bộ TT&TT nghiên cứu để xây dựng chính sách quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền.

Theo ông Long, hiện tại việc phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền có rất nhiều khó khăn do các doanh nghiệp đua nhau bán với giá thấp, dẫn đến nguy cơ phá giá cao. Chính vì vậy, nhà nước cần có chính sách quản lý giá sàn đối với dịch vụ này để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng. Ông Long cũng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2016, dịch vụ truyền hình MyTV của VNPT phát triển khá thấp, mới đạt 40% kế hoạch phát triển thuê bao. Trong khi đó, từ năm 2015 trở về trước dịch vụ MyTV tăng trưởng khá mạnh với gần 1 triệu thuê bao trong vòng 5 năm.

Liên quan tới kiến nghị này, đại diện Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, yêu cầu cần thiết phải ban hành quy định quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình trả tiền chỉ xuất hiện sau khi các doanh nghiệp viễn thông lớn cùng tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình.

Trước đây, dịch vụ truyền hình trả tiền do các nhà đài và doanh nghiệp độc lập chỉ cung cấp dịch vụ truyền hình. Tuy nhiên từ khi có nhà mạng viễn thông nhảy vào kinh doanh thì nội dung truyền hình cơ bản giống nhau, cho nên các doanh nghiệp không cạnh tranh về nội dung mà chủ yếu cạnh tranh về giá. Chính vì vậy, các đài truyền hình lo ngại nhà mạng viễn thông không bóc tách giữa dịch vụ viễn thông và truyền hình, hoặc bóc tách không rõ ràng có thể dẫn đến việc bù chéo dịch vụ giữa viễn thông và truyền hình, dẫn tới khó xác định được giá thành dịch vụ.  

Theo Luật Giá hiện hành, truyền hình trả tiền không phải là dịch vụ thiết yếu nên không nằm trong danh mục dịch vụ nhà nước phải quản lý giá. Do đó, muốn quản lý giá cần phải kiến nghị sửa đổi Luật Giá để nhà nước bổ sung truyền hình trả tiền vào danh mục cần quản lý giá, khi đó mới có cơ sở để Bộ TT&TT có biện pháp quản lý. Ông Lâm cho rằng, giờ đây đã đến lúc cần xem xét bổ sung dịch vụ truyền hình vào danh mục nhà nước quản lý giá. Vì số lượng các hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình ngày càng tăng lên và truyền hình đang dần trở thành dịch vụ không thể thiếu đối với nhiều người dân.

Trong lĩnh vực viễn thông, nhà nước đã có tiền lệ quy định đơn vị nào chiếm thị phần chi phối thị trường, có số lượng thuê bao lớn sẽ bị quản lý giá. Đối với truyền hình nếu xét từng doanh nghiệp riêng lẻ sẽ không có doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế theo Luật Viễn thông, nhưng nếu tính theo số vốn cộng lại tại các doanh nghiệp trực thuộc thì sẽ xuất hiện những đơn vị truyền hình lớn có sở hữu số lượng thuê bao lớn.

Do đó, nếu muốn quản lý giá sàn dịch vụ truyền hình, thì có hai phương án đặt ra. Đó là kiến nghị sửa đổi Luật Giá để quản lý theo Luật Giá, hai là áp dụng theo Luật Viễn thông quản lý giá dịch vụ của doanh nghiệp có thị phần khống chế.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho rằng, thị trường truyền hình hiện nay các doanh nghiệp đang cạnh tranh khá mạnh và có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cần có cuộc họp riêng về giá dịch vụ truyền hình để bàn biện pháp quản lý thị trường này.

B.H


Ý kiến bạn đọc