Trải nghiệm tàu có tốc độ nhanh nhất làm bằng vật liệu mới

17:15, 29/09/2016
|
(VnMedia) - Sau gần 3 năm đưa vào thử nghiệm thiết kế chế tạo ca nô, thuyền bằng vật liệu mới PPC (Copolymer Polypropylene Polystone) phục vụ an ninh, quốc phòng, hiện những chiếc ca nô tốc độ cao đang được đánh giá khá tốt. 

Những con tàu cỡ nhỏ lao vun vút trên mặt biển, để lại tiếng máy ầm ì và bọt biển tung trắng xóa phía sau. Ít ai biết rằng, đó chính là loạt tàu được thiết kế bằng vật liệu mới PPC (PPC- Roching CH Liên bang Đức) - loại vật liệu với nhiều tính năng ưu việt so với các vật liệu truyền thống khác như sắt, gỗ, nhôm hay composite....,đang được lực lượng Cảnh sát Biển và Bộ đội biên phòng chạy thử nghiệm.

Điều khiển 1 trong những chiếc xuồng tuần tra cao tốc MS-50, thuyền trưởng - Đại úy Phan Văn Lễ (Vùng Cảnh sát biển 1) cho biết: Loại xuồng này đã hoạt động được khoảng 2 năm (trên 6.000 hải lý). Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, chưa xảy ra hỏng hóc gì. Thân vỏ tàu rất ổn định.Đặc biệt, chịu được sóng cấp 4, cấp 5.

So với loại tàu làm bằng composite, loại này nhẹ, chạy nhanh hơn nhiều. Đây được coi là xuồng có tốc độ chạy nhanh nhất hiện nay. Loại xuồng cao tốc MS-50 mới chạy thử nghiệm nhưng trong hơn 2 năm qua đã đạt được nhiều thành tích trong việc tàu tra cứu hộ, chống buôn lậu trên biển, Đại úy Phan Văn Lễ chia sẻ.

Cho biết thêm về vật liệu mới PPC, thuyền trưởng Phan Văn Lễ, vật liệu dùng làm xuồng này khá thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí. " Với tàu vỏ sắt, 1-2 tháng chúng tôi phải cao gỉ sét để sơn lại, thì với loại tàu vỏ PPC, chúng tôi không phải làm công việc này nữa. Đi thực hiện nhiệm vụ về chỉ cần phun nước rửa là sạch.Vừa tiết kiệm được tiền sơn, cạo gỉ vừa không ảnh hưởng gì tới môi trường...", Đại úy Lễ nói.

t
Xuồng tuần tra cao tốc MS-50 sản xuất từ vật liệu mới PPC đang được Bộ đội Biên phòng chạy thử nghiệm. Ảnh:KN

 

Nói về vật liệu PPC, ông Nguyễn Kim Sơn- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ James Boat cho biết, công nghệ thiết kế chế tạo ca nô, tàu thuyền và các công trình nổi bằng vật liệu PPC của James Boat được chuyển giao từ công ty TNHH Sea Cộng hòa Séc và đã được Sở KH&CN TP.Hà Nội chứng nhận. Đây là vật liệu bắt đầu được ứng dụng trong chế tạo tàu thuyền tại CH-Séc từ những năm 1995. 

Vật liệu nhựa PPC với việc bổ sung các phụ gia đặc biệt, phụ gia chống tia cực tím bền vững, đã làm thay đổi các đặc tính của vật liệu và do đó đã tạo ra được một vật liệu đặc biệt đảm bảo độ bền phù hợp cho sử dụng trong sản xuất tàu thuyền và công trình nổi. Vật liệu này có chứa các phân tử chống được sự hun nóng (ví dụ như ánh nắng) và không bị biến dạng.

t
Loạt xuồng cao tốc làm từ vật liệu PPC. Ảnh: KN

 

Ưu điểm khác của loại vật liệu PPC, đó là trọng lượng riêng thấp nên nổi được trên nước. Nhờ tính chất đàn hồi và dai của vật liệu nên có khả năng chịu va đập mạnh, khả năng chống đâm thủng, chống được đạn súng ngắn cách 50m, chống ma sát, độ bền cao dưới tác động của lực kéo và lực tải....;độ dai ổn định ngay cả ở nhiệt độ rất thấp (xuống đến -35%).

Chia sẻ một vài nhược điểm của loại vật liệu PPC, theo ông Sơn đó là độ kéo dãn ít; chỉ phù hợp để đóng loại tàu dưới 24 mét. Có thể đóng tàu cỡ lớn khi kết hợp với các vật liệu khác.

Loại vật liệu PPC này đã được Trung tâm nghiên cứu vật liệu Polyme Đại học Bách Khoa tiến thành thử nghiệm như thử kéo, uốn. Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng thử nghiệm va đập cường độ mối hàn. Viện chuyên ngành kết cấu công trình đã thí nghiệm xác định khả năng chịu lửa của kết cấu vách A60; cắt mẫu thử tại ca nô đã qua sử dụng để thử nghiệm độ lão hóa của vật liệu, siêu âm mối hàn bằng máy siêu âm Trusonick CTS – 2020 E nhập khẩu từ CH Séc.

James Boat cũng đã được Cục đăng kiểm Việt Nam cấp phép chế tạo thử nghiệm một số mẫu tàu thuyền và các công trình nổi như: Bên Cầu Mống Tp.HCM, tàu khách Favorite 33, 02 tàu khách Ferry 42 và Ferry 56 cho Tập đoàn Vingroup. Ngoài ra, James Boat được phép đóng thử nghiệm các mẫu ca nô giải trí Comfort 500, 600, 750, 850,950.

Riêng Bến Cầu Mống và 2 tàu khách đã chế tạo hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng; các mẫu Comfort hiện đang được triển khai chế tạo tại nhà máy của James Boat.

Hiện James Boat đã và đang triển khai các dự án chế tạo xuồng tuần tra cao tốc MS-50S cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển VN, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, dự án xuồng cứu hộ và ca nô công tác cho Viện thiết kế tàu quân sự, bến cập tàu thuyền cho Cục cảnh sát đường thủy, thuyền vượt sông nhẹ cho Bộ Tư lệnh Công binh. Các sản phẩm trên được chế tạo từ vật liệu PPC-Rochling CHLB Đức, CH Séc đã được bàn giao đưa vào sử dụng và được đánh giá rất cao.

Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết; " Trong thời gian tới, khi các cơ quan chức năng cho phép triển khai trên diện rộng, chúng tôi sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất khác đáp ứng tiêu chuẩn đề ra của công nghệ PPC- Rochling...".

Trả lời về việc hiện trên thị trường có sản phẩm tương tự sản xuất từ vật liệu PPC, ông Kim Sơn thẳng thắn đề nghị: "James Boat là đại lý độc quyền vật liệu PPC Rochling CHLB Đức. Nếu công ty khác cũng công bố sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu PPC thì chúng tôi đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan xem xét nguồn gốc, xuất xứ của vật liệu PPC mà công ty đó đang sử dụng....".

Đinh Bách (Bài, ảnh)

 


Ý kiến bạn đọc