Đảm bảo an toàn thông tin: Quan trọng nhất là nguồn lực!

09:40, 28/09/2016
|

(VnMedia) - Dù thiết bị công nghệ có hiện đại tới đâu, nếu không có sự quản trị từ nguồn lực con người thì vẫn khó có thể đối phó được trước các cuộc tấn công mạng với nhiều hình thái, quy mô… như hiện nay.

Đây là quan điểm được nhiều đại biểu tham dự tọa đàm “An toàn thông tin và mối đe doạ tới nền kinh tế” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức vào chiều qua, 27/9 tại Hà Nội.

Là vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm, mất an toàn thông tin đang là mối nguy, đe dọa tới các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và nền kinh tế. Các vụ tấn công mạng liên tiếp xảy ra gần đây đối với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và nhiều ngân hàng đã báo động nghiêm trọng về vấn đề này.

Cùng với việc gia tăng sự tấn công, tội phạm mạng thâm nhập vào hệ thống mạng thông tin trọng yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước và doanh nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh CNTT và viễn thông phát triển mạnh mẽ. Các nhóm tội phạm cũng đang không ngừng câu kết với nhau, chia sẻ hạ tầng để triển khai các chiến dịch tấn công.

Ông Đỗ Vũ Anh - Thành viên HĐTV VNPT phát biểu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Ngọc Ninh.
Ông Đỗ Vũ Anh - Thành viên HĐTV VNPT phát biểu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Ngọc Ninh.

Ở thời điểm này, xu hướng IoT (Internet of Things - Internet kế nối vạn vật) là cuộc cách mạng hứa hẹn đem lại những cơ hội rất lớn nhưng đi kèm là nguy cơ mất an toàn thông tin. Năng lực tấn công của các băng nhóm tội phạm mạng ngày càng được nâng cao, sự thiếu hụt về nhân lực quản trị CNTT cao cấp, sự phát triển tốc độ của điện toán đám mây, di động và IoT cùng với sự chủ quan của doanh nghiệp trước các cảnh báo bảo mật… chính là những lý do lớn dẫn đến những sự cố liên quan đến bảo mật thông tin của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Thống kê của VNCERT cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2016, tổng số sự cố an ninh mạng được VNCERT ghi nhận đã là 127.630 sự cố (gồm 8.758 sự cố Phishing; 77.160 sự cố Deface và 41.712 sự cố Malware), gấp hơn 4 lần so tổng sự cố an ninh mạng được Trung tâm này ghi nhận trong cả năm 2015 và gấp gần 6,5 lần số sự cố của cả năm 2014. Đến lúc này, không chỉ người dùng, doanh nghiệp mà cả Chính phủ đã phải nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc về vấn đề an toàn thông tin.

Mới đây, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức triển khai hoạt động tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá bảo đảm an toàn thông tin mạng, phần cứng, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng nhằm đánh giá tổng thể mức độ an toàn thông tin, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố, lỗ hổng, ngăn chặn, bóc gỡ mã độc tấn công vào hệ thống mạng.

Tọa đàm “An toàn thông tin và mối đe dọa tới nền kinh tế” với sự góp mặt của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các chuyên gia bảo mật và các nhà báo trong Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam để cùng phân tích đánh giá thực trạng và đưa ra những giải pháp, khuyến nghị để đảm bảo phòng chống những rủi ro trong việc mất an toàn an ninh ảnh hưởng đến nền kinh tế của Việt Nam.

Là một trong những doanh nghiệp ICT sở hữu hạ tầng mạng viễn thông, CNTT rất lớn hiện nay, chia sẽ tại tọa đàm, ông Đỗ Vũ Anh - Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT cho rằng, việc đầu tiên cần nghĩ tới trong việc đảm bảo an toàn thông tin đó là phải có nguồn nhân lực, con người. Mọi máy móc thiết bị dù có hiện đại tới đâu nếu không có sự tham gia của con người, sự phối hợp giữa các đầu mối chia sẻ thông tin thì đó vẫn chưa phải là một giải pháp đảm bảo an toàn thông tin hoàn chỉnh.

Tập đoàn VNPT hiện đang sở hữu mạng viễn thông rất lớn, tổng số thuê bao băng rộng cả di động và cố định lên đến hơn 20 triệu. VNPT cũng như các nhà mạng khác đều phải có trách nhiệm bảo vệ hạ tầng mạng lưới của mình. VNPT đều có giải pháp bảo vệ với tất cả các phần tử mạng và khách hàng.

Tuy nhiên, ông Đỗ Vũ Anh cũng cho rằng, nếu kỳ vọng có giải pháp đảm bảo 100% an toàn thông tin thì rất khó. Điều quan trọng là không để “mất bò mới lo làm chuồng”. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phải phải bảo vệ hạ tầng mạng lưới, bảo vệ khách của mình không bị ảnh hưởng trước các đợt tấn công. Từ việc rà quét vì máy tính nhiễm mã độc, đến hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng xử lý mã độc đó như thế nào? Doanh nghiệp phải có phương án giải pháp để xử lý. Cùng với đó, vấn đề phối hợp, chia sẻ thông tin, cùng hợp tác cũng rất quan trọng để có thể nhanh chóng xử lý.

Đại biểu đến từ Tập đoàn VNPT cũng đặt sự tin tưởng, sau cuộc tọa đàm này, các đại biểu tham dự đến từ các doanh nghiệp, tổ chức sẽ có chính sách để mọi người cùng nâng cao ý thức. Đây cũng chính là kỳ vọng mà Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam đặt ra khi tổ chức tọa đàm, mong muốn truyền thông cho toàn xã hội hiểu rõ hơn về an toàn thông tin và mối đe doạ tới nền kinh tế, nhằm nâng cao ý thức trong việc đảm bảo an toàn thông tin.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc