Xiaomi đã đánh mất 90% giá trị của mình như thế nào?

19:59, 22/08/2016
|
Đã từng là một start up có giá trị lên tới 45 tỉ USD - lớn nhất trên thế giới tại thời điểm năm 2014. Song giá trị của Xiaomi hiện nay được đánh giá chỉ còn khoảng 4 tỉ USD. Xiaomi đã đánh mất tới 90% giá trị của mình như thế nào trong vòng 18 tháng qua?
 
Xem nhẹ R&D, không nắm bắt kịp sự thay đổi nhu cầu người dùng
 
Nguyên nhân tạo nên sự phát triển nhanh chóng của Xiaomi cũng chính là nguồn gốc cho sự thất bại của họ. Tại thời điểm năm 2014, Xiaomi nhanh chóng nổi tiếng và được biết đến nhờ lợi thế sản xuất các thiết bị có cấu hình và tính năng không thua kém gì các flagship của những hãng sản xuất di động hàng đầu thế giới như Apple, Samsung song giá thì lại thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, lợi thế này đâu phải chỉ mình Xiaomi có? Xiaomi bị chính những người đồng hương của mình từng bước đánh bại với cách thức tương tự.
Cùng sản xuất thiết bị có tính năng cao cấp song giá lại rẻ, vậy tại sao Xiaomi lại thua trước các đối thủ khác. Bởi vì họ không có một điểm nhấn khác biệt nào trong sản phẩm của mình trong khi đối thủ có. Ví dụ Vivo thì đưa công nghệ màn hình cong vào sản phẩm của mình. Còn Oppo và One Plus thì lại bổ sung tính năng sạc nhanh, LeEco cung cấp các nội dung độc đáo đi kèm còn Huawei thì thêm vào cảm biến vân tay hiện đại và bổ sung ống kính kép vào máy ảnh của điện thoại.
 
Càng về sau, không có nền tảng và kinh nghiệm sản xuất và hệ thống phân phối thưa thớt, không chú trọng đầu tư cho R&D để chủ động trong cải tiến, sáng tạo khiến Xiaomi dậm chân tại chỗ trong khi tất cả đối thủ đều tiến lên.
 
Một sai lầm nữa của Xiaomi có lẽ là việc tiếp tục quá tập trung vào phân khúc giá rẻ của thị trường, ví dụ như tạm hoãn việc ra mắt chiếc Mi Note 2 loạt sản phẩm RedMi. Hiện người dùng Trung Quốc đã sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho điện thoại thông minh để sở hữu một chiếc máy đẹp hơn, độc đáo hơn. Song Xiaomi đã không nắm bắt được sự thay đổi này. Họ vẫn chỉ chăm chắm vào các thiết bị giá rẻ.
 
Tất cả những điều này khiến cho thị phần của Xiaomi ngay tại sân nhà ngày càng giảm sút. Theo số liệu được hãng nghiên cứu thị trường IDC công bố tuần qua, trong quý 2/2016 Xiaomi tiếp tục chứng kiến doanh số smartphone bán ra giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước ở thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, lượng điện thoại tiêu thụ tại thị trường này lại tăng gần 5% trong khoảng thời gian và các đối thủ của Xiaomi ở phân khúc smartphone giá rẻ và tầm trung đều tăng trưởng mạnh.
 
"Ngây thơ" trong kế hoạch đánh chiếm thị trường nước ngoài
 
Vào thời điểm hoàng kim, người ta cho rằng Xiaomi sẽ phát triển thần tốc hơn nữa bởi lúc đó Xiaomi mới chỉ kinh doanh ở một số ít các quốc gia châu Á. Còn cả thị trường châu Âu và Mỹ rộng lớn đang chờ đón. Xiaomi đắm chìm trong ánh hào quang và hừng hực khí thế với mong ước trở thành nhà sản xuất di động cho toàn thế giới.
Tuy nhiên, người ta quên một điều đơn giản là Xiaomi không có danh mục bản quyền sáng chế để tiến vào những thị trường này. Sự lỏng lẻo trong vấn đề bản quyền tại khu vực châu Á đã không gây nhiều khó khăn cho Xiaomi dù thường xuyên bị Samsung, Apple cáo buộc là sao chép phần cứng, tính năng các sản phẩm của họ. Song Mỹ và châu Âu lại là một sân chơi khác, với những quy luật khác. Xiaomi đã không dễ dàng tiến ra biển lớn như họ nghĩ.
 
Thậm chí sau đó, nhiều thị trường châu Á cũng đã không còn buông lỏng với vấn đề bản quyền. Tại Ấn Độ - thị trường lớn thứ 2 của Xiaomi, hãng này đã phải đối mặt với lệnh cấm bán hàng đối với các sản phẩm bị Ericsson cáo buộc là vi phạm bằng sáng chế. Sau đó, Xiaomi đã có ký kết hợp tác với Microsoft và Qualcomm để có quyền sử dụng các bằng sáng chế của họ nhưng có vẻ "Apple của phương Đông" vẫn chưa đủ sẵn sàng để bước ra sân chơi toàn cầu.
 
Đầu tư quá dàn trải
 
Xiaomi đã luôn tự gọi mình là một công ty internet chứ không phải là một nhà sản xuất smartphone. Có lẽ vì vậy mà hãng đầu tư sang nhiều lĩnh vực khác. Nói không quan tâm tới R&D có lẽ là chưa đúng lắm bởi Xiaomi có đầu tư, song là đầu tư vào những lĩnh vực khác thay vì nhấn vào mảng kinh doanh cốt lõi của mình. 
 
Một trong những mảng được Xiaomi dành nhiều tiền nhất nhất là các sản phẩm được kết nối, với tham vọng hình thành một hệ sinh thái mà nó gọi là Mi Ecosystem. Quả thực, IoT - Vạn vật kết nối là xu hướng chung của công nghệ song dường như tương lai ấy còn hơi xa đối với những thị trường chính của Xiaomi. Các sản phẩm như nồi cơm kết nối, hay những chiếc ô kết nối thực sự chưa có nhiều ý nghĩa với đại đa số người dùng hiện nay. Chính vì thế, nó ngốn rất nhiều tiền của Xiaomi song lại gần như chưa mang về đồng nào. Và liệu với tình hình tài chính xuống dốc như hiện nay, Xiaomi có chờ được tới ngày “hái quả”.
 
Không có số liệu chính xác song các hãng nghiên cứu thị trường cho rằng khoảng 85% doanh thu của Xiaomi hiện nay đến từ mảng bán smartphone, phần còn lại đến từ mảng kinh doanh phần mềm và một số dịch vụ khác. Những dự án đầu tư mang tính “viển vông” như xe điện hai bánh tự cân bằng Ninebot mini chẳng mang về đồng nào và cũng chưa thấy nó sẽ trợ giúp cho việc kinh doanh của Xiaomi như thế nào.
xiaomi3.png
Sản phẩm xe điện hai bánh tự cân bằng Ninebot mini không biết sẽ mang lại gì cho Xiaomi
Trước hiện trạng các mảng kinh doanh chính cũng như việc đầu tư không có chiến lược, không đánh vào trọng tâm của Xiaomi, không ít người cho biết họ thực sự không nhìn thấy tương lai sáng sủa cho Xiaomi. Năm 2016 dự báo doanh thu của hãng sẽ còn tiếp tục giảm mạnh (từ 10 - 20%), và với kết quả này giá trị của Xiaomi tới cuối năm có lẽ chỉ còn 3,6 tỉ US.
 
Hoàng Vũ

Ý kiến bạn đọc