Việt Nam đã sẵn sàng thương mại hóa dịch vụ công nghệ 4G

14:10, 22/08/2016
|

(VnMedia) - Theo đại diện của Qualcomm, các nhà mạng như VNPT, Viettel, MobiFone đã thành công trong việc cung cấp thử nghiệm dịch vụ 4G. Mức độ chuẩn bị cho việc thương mại hóa dịch vụ của nhà mạng hiện rất cao. Ngoài hạ tầng, hệ sinh thái cũng đã sẵn sàng.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội nghị Quốc tế về 4G LTE vừa được tổ chức vào ngày 18/8 mới đây, các đại biểu đến từ Qualcomm đều có những nhìn nhận và đánh giá rất lạc quan về khả năng phát triển và thương mại hóa công nghệ 4G tại thị trường Việt Nam. Khuyến nghị được đưa ra đối với các nhà maạn đó là nên hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp và thiết bị để triển khai hiệu quả nhất...

Từ trái sang, ông Thiều Phương Nam, ông Mantosh Malhotra và ông Ông Patrick Tsie.
Từ trái sang, ông Thiều Phương Nam, ông Mantosh Malhotra và ông Ông Patrick Tsie.

- Vừa qua, một số nhà mạng Việt Nam đã triển khai thử nghiệm 4G. Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của Việt Nam trong việc triển khai 4G? Có những cơ hội và thách thức nào trong việc triển khai thử nghiệm này?

Ông Mantosh Malhotra - Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á : Hiện nay trên thế giới có 521 mạng 4G LTE đã thương mại hóa, và có khoảng 5600 modem thiết bị, điện thoại 4G LTE khác nhau. Mức giá các thiết bị hiện nay khá phù hợp với người tiêu dùng. Tổng số lượng thuê bao trên toàn cầu hiện nay là 1,29 tỷ. Tất cả những con số này cho thấy tình hình triển khai 4G LTE trên thế giới hiện nay đã đạt được độ chín.

Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai 4G. Một số người quan ngại rằng Việt Nam chậm chân hơn các thị trường khác, tuy nhiên, không hẳn như vậy, vì hiện nay hệ sinh thái di động đã đủ để thúc đẩy ứng dụng rộng rãi. Về thách thức, người dùng có nhu cầu và kỳ vọng về thông lượng rất cao để chạy những ứng dụng mới. Từ công nghệ 2G đến 3G, nhu cầu của người dùng luôn tăng và không được đáp ứng hoàn toàn. Từ 3G đến 4G cũng tương tự, thách thức đầu tiên là người dùng có kỳ vọng rất lớn và nhà mạng phải đáp ứng nhu cầu đó. Điều quan trọng là các nhà mạng nên hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp và thiết bị để triển khai hiệu quả.

Ông Thiều Phương Nam - Giám đốc Qualcomm Việt Nam: Ở Việt Nam, sau khi Bộ TT&TT cấp giấy phép thử nghiệm 4G vào cuối năm ngoái, ba nhà mạng lớn nhất là VNPT, Viettel và MobiFone đã thử nghiệm dịch vụ 4G tại một số địa bàn và kết quả rất thành công. Chúng tôi có tham gia việc hỗ trợ các nhà mạng lên kế hoạch xây dựng giải pháp kỹ thuật, thiết kế, hoạch định lộ trình triển khai 4G trong vài năm tới. Đồng thời chúng tôi cũng tham gia hoạt động thử nghiệm và nhận được kết quả rất tốt về tốc độ, sự hài lòng của khách hàng cũng như sự hỗ trợ của các nhà cung cấp thiết bị. Những kết quả cho thấy độ sẵn sàng của nhà mạng để thương mại hóa dịch vụ là rất cao. Ngoài hạ tầng, hệ sinh thái dịch vụ công nghệ 4G cũng đã sẵn sàng.

Ông Patrick Tsie - Giám đốc công nghệ, Tập đoàn Qualcomm khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương : Một khía cạnh quan trọng, LTE là công nghệ mới, đòi hỏi nhiều phổ tần để cung cấp thông lượng lớn dữ liệu. Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT cần phải giải phóng thêm ba băng tần tiềm năng: 2.6GHz, 2.3GHz và 700MHz. Nếu các nhà mạng trong nước có thêm được phổ tần ở ba băng tần này thì chắc chắn LTE sẽ có khả năng cung cấp dữ liệu dung lượng lớn hơn, đáp ứng được kỳ vọng của thuê bao 4G tại Việt Nam.

- Kế hoạch sắp tới của Qualcomm trong việc hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam triển khai 4G LTE?

Ông Thiều Phương Nam: Để triển khai thành công công nghệ và dịch vụ 4G tại Việt Nam, toàn bộ hệ sinh thái phải sẵn sàng. Hệ sinh thái di động ở đây bao gồm: thứ nhất là cơ quan quản lý chính sách về băng tần, thứ hai là các nhà mạng cung cấp dịch vụ, thứ ba là các nhà cung cấp thiết bị đầu cuối và thứ tư là các nhà cung cấp nội dung. Qualcomm có kế hoạch làm việc với tất cả đối tác trong hệ sinh thái di động.

Về chính sách băng tần, Qualcomm thường xuyên thực hiện tư vấn thông qua các cuộc họp, tổ chức chuẩn của Việt Nam hoặc thế giới, hoặc các hội thảo tại Việt Nam để cung cấp cho các nhà hoạt động chính sách băng tần (Bộ TT&TT, Cục Tần số vô tuyến điện…) về xu hướng phát triển của băng tần 4G để Việt Nam có thể triển khai 4G. Để triển khai 4G thành công, băng tần đóng vai trò rất quan trọng. Không chỉ có nhiều băng tần, mà băng tần còn phải phù hợp, có thấp và cao. Băng tần cao giải quyết năng lực truyền tải dữ liệu, băng tần thấp giải quyết vấn đề về độ phủ, để tiếp cận vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn.

Với nhà mạng, chúng tôi tham gia nhiều kế hoạch của nhà mạng trong triển khai 4G. Lộ trình triển khai của các nhà mạng phải nhìn vào một quá trình 3-5 năm. Triển khai 4G có nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu có thể tập trung vào những thành phố lớn, sau đó phủ toàn quốc. Những tính năng 4G có rất nhiều, việc triển khai các tính năng mới của 4G cần lộ trình 3-5 năm. Qualcomm đang tiếp tục làm việc với các nhà mạng về việc thiết lập lộ trình triển khai 4G.

Một khía cạnh khác, khi chuyển từ 2G lên 3G, chỉ có hai lớp: voice và data, việc hoạch định và quản lý khá đơn giản. Tuy nhiên khi các nhà mạng Việt Nam triển khai 4G thì có ba lớp: 2G, 3G, 4G. Việc tối ưu giữa các lớp với nhau là vấn đề các nhà mạng cần quan tâm và cần hỗ trợ. Bộ phận Dịch vụ Hạ tầng mạng của Qualcomm làm việc với các nhà mạng để hỗ trợ họ trong việc tối ưu hạ tầng 3G và sắp tới là 4G.

Với các nhà sản xuất thiết bị, với vai trò là nhà cung cấp chipset lớn nhất cho smartphone, Qualcomm làm việc với các nhà cung cấp thiết bị với hai mục tiêu: thứ nhất, giúp cho các nhà cung cấp thiết bị có lộ trình mang thiết bị phù hợp vào Việt Nam, thứ hai, các tính năng hỗ trợ thiết bị phù hợp với tính năng của nhà mạng. Khi đó, người dùng sẽ được hưởng lợi ích tối đa. Ngoài ra, cần có những hoạt động kết nối các nhà cung cấp thiết bị với nhà mạng và nhà cung cấp nội dung.

Đó là những việc Qualcomm đang thực hiện để đảm bảo Việt Nam triển khai 4G thành công.

- Theo Qualcomm, giá cả thiết bị 4G thế nào là phù hợp cho người dùng?

Ông Mantosh Malhotra: Về phương diện thiết bị, với 3G, mất khá lâu để thiết bị hỗ trợ 3G trở nên phù hợp với túi tiền hầu hết người dùng. Nhưng với 4G, thời gian sẽ nhanh hơn. Hiện nay đã có nhiều thiết bị hỗ trợ 4G với mức giá dưới 100 USD, thậm chí 60-70 USD. Mức giá phù hợp của thiết bị đầu cuối cũng giúp cho người dùng sẵn sàng sử dụng dịch vụ 4G.

Về người dùng, họ sẵn sàng trả tiền nhiều hơn cho dịch vụ kết nối internet trên di động. Hiện nay, kết nối gần như là tiện ích thiết yếu như điện, nước.

Về giá cước dữ liệu, khó có thể định ra mức cước cụ thể để phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên, chi phí để nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G rẻ hơn so với 3G do giá thành sản xuất cùng một lượng dữ liệu trên 4G rẻ hơn. Các nhà mạng cũng cần sáng tạo hơn trong việc đưa ra các gói cước, ví dụ, có những người dùng sẵn sàng dùng gói cước trả sau, nhưng nhiều người thích sử dụng gói cước trả trước. Thị trường cước trả trước của Việt Nam vẫn còn rất phổ biến. Nhiều nhà mạng đưa ra gói cước tùy theo ứng dụng.

Hiền Mai (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc