SoftBank tham vọng chiếm lĩnh thị trường robot Việt

07:05, 27/08/2016
|

(VnMedia) - SoftBank Corp. - Tập đoàn công nghệ thông tin đến từ Nhật Bản vừa tổ chức hội thảo “SoftBank Smart Robotics - Tương lai trong tầm tay” với sự tham dự của các chuyên gia trong ngành và các đơn vị đối tác của SoftBank tại Việt Nam vào hôm qua, 26/8.

Một trong những động thái đầu tiên của SoftBank tại thị trường Việt Nam đó là ký kết hợp tác để đưa robot NAO ứng dụng trong lĩnh vực dạy tiếng Anh tại Việt Nam. Các robot này sẽ giúp giáo viên tại hai đơn vị trực thuộc Tổ chức giáo dục Hoa Kỳ là Học viện Anh ngữ EQuest và Anh ngữ Việt Mỹ VATC tổ chức các hoạt động lớp học, giao lưu tương tác với học viên, hỗ trợ các bài kiểm tra nghe nói và cùng học viên thực hành các tình huống giao tiếp.

Bà Nguyễn Thị Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ (IAE) cho biết: “Cùng với ứng dụng công nghệ, việc đưa robot vào giảng dạy, chúng tôi kỳ vọng sẽ mang lại những dấu ấn mới trong lĩnh vực giáo dục. Những chú robot NAO của Tập đoàn SoftBank ngay sau đây sẽ lần lượt xuất hiện tại các lớp học tiếng Anh thuộc hai đơn vị của chúng tôi là Học viện Anh ngữ EQuest và Anh ngữ Việt Mỹ VATC nhằm tạo cảm hứng, kích thích sự tò mò và yêu thích môn học tiếng Anh hơn đối với học viên”.

Thị trường Robot được đánh giá là trị giá tiềm năng lên tới hàng tỷ đô la Mỹ, vậy nhưng tại Việt Nam, số lượng lĩnh vực ứng dụng robot mới chỉ dừng lại ở mức khá khiêm tốn, chủ yếu để nghiên cứu và robot công nghiệp. Tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) đã có những bước đi đầy tham vọng khi muốn đưa robot hình người ứng dụng mạnh mẽ vào các lĩnh vực đời sống tại Việt Nam.

Là một trong những công ty chế tạo robot hình người hàng đầu thế giới, cùng với việc mua lại hãng thiết kế chip ARM của Anh gần đây với trị giá 31.4 tỷ USD, SoftBank đang thực hiện chiến lược phát triển các sản phẩm trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên thông minh hơn. Mỗi năm hãng này đang bán ra hàng nghìn robot hình người trên khắp thế giới, nổi bật là 2 sản phẩm robot NAO và  PEPPER, ứng dụng chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng như: ngân hàng, khách sạn, giáo dục, giao thông vận tải…

Masayoshi Son, nhà sáng lập kiêm CEO của công ty, cho rằng: "Tôi nghĩ chúng ta sắp chứng kiến một sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử loài người. Giả thuyết Singularity sẽ thực sự xảy ra trong thiên niên kỷ này. Trí tuệ nhân tạo sẽ vượt con người không chỉ về kiến thức mà còn về trí thông minh".

Theo đánh giá của SoftBank, Việt Nam sẽ không nằm ngoài xu thế chung của thế giới trong việc đưa robot ứng dụng vào đời sống. Mặc dù các sản phẩm robot hình người đã được giới thiệu tại Việt Nam từ những năm 2004, nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở các mục đích nghiên cứu, đào tạo. SoftBank sẽ là đơn vị tiên phong đưa robot vào ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực đời sống hàng ngày.

SoftBank khẳng định, tính đến thời điểm hiện tại, hãng không có bất kỳ đối thủ nào tại Việt Nam, trong khi đó, với dân số trẻ, yêu thích công nghệ, có sẵn đội ngũ lập trình ứng dụng, đây sẽ là một thị trường đầy tiềm năng. Thời gian tới, các lĩnh vực có thể ứng dụng robot bao gồm: Giáo dục, đào tạo lập trình, dịch vụ khách hàng và các sự kiện giải trí. SoftBank bày tỏ kỳ vọng sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và doanh thu từ robotic sẽ chiếm 40% tổng doanh thu của SoftBank tại thị trường Việt Nam.

Giải thích lý do vì sao lựa chọn NAO là sản phẩm robot đầu tiên đưa vào thị trường Việt Nam, đại diện SoftBank cho biết, NAO là một robot thông minh với 4 khu vực cảm biến,

có khả năng nhận dạng giọng nói, hình ảnh, khả năng biểu cảm, sao chép hành vi con người, tự động kết nối Internet và có thể nói 19 loại ngôn ngữ khác nhau, sản phẩm dùng hệ điều hành tương tác tập trung NAOqi dễ điều khiển, lập trình và tùy biến ứng dụng. Thông minh, dễ dàng tương tác và lập trình là những lý do giúp gần 10.000 robot NAO được bán ra trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, mỗi robot NAO được được bán với giá từ 10.000 USD và có thể  phát triển tùy biến với nhu cầu, mục đích của từng khách hàng. Đại diện SoftBank cũng tiết lộ, sau robot NAO, hãng sẽ tiếp tục giới thiệu robot PEPPER đến thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc