Đã có gần 200 quốc gia đầu tư vào 4G LTE

19:15, 15/08/2016
|

Theo số liệu thống kê mới nhất của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến cuối tháng 7 vừa qua, thị trường di động thế giới đã có 521 nhà mạng di động triển khai và thương mại hóa thành công các mạng 4G LTE, LTE-Advanced và LTE-Advanced Pro tại tổng cộng 170 quốc gia.

Nếu so với cùng kỳ năm trước thì số nhà cung cấp các dịch vụ 4G LTE đã tăng thêm 74 nhà mạng. Trong đó, Bermuda, Gibraltar, Jamaica, Liberia, Myanmar, Samoa và Sudan là những quốc gia vừa công bố khai trương các mạng 4G LTE.

Nếu tính cả số lượng nhà mạng đang nghiên cứu, thử nghiệm và đang triển khai thì có tổng cộng 738 nhà mạng đang đầu tư vào 4G LTE tại 194 quốc gia. Trong đó, 708 nhà mạng đã ký cam kết triển khai tại 188 quốc gia (đã bao gồm 521 nhà mạng thương mại) và 30 nhà mạng ký cam kết triển khai các hoạt động tiền thương mại tại 6 quốc gia khác.
 

Sự hiện diện của 4G LTE tại 170 quốc gia trên thế giới
Sự hiện diện của 4G LTE tại 170 quốc gia trên thế giới

Về băng tần, 1800 MHz, 2,6 GHz và 800 MHz được coi là 3 băng tần được sử dụng phổ biến nhất trên các mạng LTE. Theo đó, trong tổng số 521 mạng LTE thương mại thì có đến 246 mạng (47%) được triển khai trên băng tần 1800 MHz (3GPP Band 3) tại 110 quốc gia. Ngoài ra còn có 121 mạng được triển khai trên băng tần 2,6 GHz (band 7) và 119 mạng được triển khai trên băng tần 800 MHz (band 20).

Theo dự báo của GSA, số mạng 4G LTE thương mại sẽ tăng lên ít nhất thành 560 mạng vào cuối năm nay.

Thống kê số mạng 4G LTE thương mại giai đoạn Q4/2009-Q2/2016 và dự báo đến cuối năm 2016
Thống kê số mạng 4G LTE thương mại giai đoạn Q4/2009-Q2/2016 và dự báo đến cuối năm 2016

Ngoài triển khai và thương mại hóa 4G LTE thì nâng cấp lên LTE-Advanced hoặc LTE-Advanced Pro cũng đã trở thành một xu hướng mới khi có đến 37% (tương đương 192 nhà mạng LTE) đang tiến hành nâng cấp các mạng LTE của họ lên LTE-Advanced và LTE-Advanced Pro tại 84 quốc gia. Trong đó đã có 28% (tương đương 147 nhà mạng) công bố đã nâng cấp thành công lên các mạng băng rộng di động LTE-Advanced và LTE-Advanced Pro siêu nhanh tại 69 quốc gia.

GSA cũng cho biết, trên thực tế, để có thể triển khai và thương mại hóa thành công các mạng LTE-Advanced và LTE-Advanced Pro, các nhà mạng đã sử dụng công nghệ tích hợp sóng mang (CA - Carrier Aggregation), 4x4 MIMO hoặc nhiều hơn, các cơ chế điều chế tiên tiến (256QAM cho downlink và 64QAM cho uplink), công nghệ truy cập trên các tần số được cấp phép (LAA) và một số tính năng khác.

Trong đó, CA được sử dụng đầu tiên trên mạng LTE-Advanced vào khoảng giữa năm 2013 và hiện cũng là công nghệ được sử dụng nhiều nhất trên các mạng 4G LTE tiên tiến. Với lợi thế tăng cường hiệu quả sử dụng phổ tần và làm tăng tốc độ truyền tải dữ liệu, đến nay CA đã được triển khai trên phần lớn (trên 90%) mạng LTE-Advanced thương mại.

Ngoài CA, các nhà mạng còn sử dụng thêm công nghệ 4X4 MIMO (thậm chí có nhà mạng còn sử dụng tới 8x8 MIMO) cho phép tăng gấp đôi tốc độ tải xuống nhờ sử dụng 4 anten ở thiết bị phát và 4 anten ở thiết bị thu.

Kết quả là, các mạng LTE-Advanced và LTE-Advanced Pro có độ trễ thấp, tốc độ cao, thậm chí có nhà mạng còn tuyên bố các mạng 4G LTE sau khi nâng cấp có thể cung cấp tốc độ downlink lên tới mức Gbps.

Alan Hadden, Phó chủ tịch GSA cho biết triển khai và thương mại hóa các mạng LTE-Advanced đã trở thành một xu hướng hiện hữa trên toàn cầu. Tham gia vào quá trình này còn có sự góp mặt của của các dòng thiết bị thế hệ mới như smartphone LTE Category 6 (hỗ trợ tốc độ tải xuống từ 151 đến 300 Mbps),  smartphone LTE Category 9 (hỗ trợ tốc độ tải xuống từ 301 đến 450 Mbps) và smartphone LTE Category 11 (hỗ trợ tốc độ tải xuống lên tới 600 Mbps), thậm chí một số nhà sản xuất thiết bị còn công bố sẽ giới thiệu ra thị trường các dòng smartphone LTE có khả năng hỗ trợ tốc độ lên tới mức Gigabit vào cuối năm nay.

Lê Hường (theo GSA)
 


Ý kiến bạn đọc