Thị trường smartphone Việt: "Kẻ khóc, người cười"!

14:38, 18/07/2016
|

(VnMedia) - Theo số liệu của GfK, từ năm 2014 đến tháng 5/2016, doanh số điện thoại di động của Việt Nam có giá dưới 6 triệu chiếm tới 4/5 thị phần. Điều đó chứng tỏ phân khúc smartphone giá dưới 6 triệu vẫn đang rất hút người mua.

Điểm qua thị trường smartphone từ 2014 đến nay, dễ dàng nhìn thấy phân khúc tầm cận trung luôn có sự cạnh tranh gay gắt đến từ các nhà sản xuất lớn như Samsung, OPPO, Microsoft/Nokia, Asus… Qua số liệu của GfK có thể thấy được sự trồi sụt của một số thương hiệu smartphone tại thị trường Việt Nam.

Bứt phá của Oppo

Nếu như năm 2014, Samsung nắm giữ thị phần lớn nhất với 30,2% thị phần, tiếp theo là Microsoft với 26,4%, Oppo chiếm 7% thị phần, Sony 4,4% thị phần, Asus chiếm 3,8% thị phần. Trong khi đó đến năm 2015, thị phần đã có nhiều thay đổi hơn khi Samsung tiếp tục chứng tỏ "ông hoàng" thị trường khi gia tăng thêm 1,6% thị phần nữa, trong khi Microsoft giảm mạnh xuống còn 15,5% thì Oppo lại tăng mạnh lên 15,1%, tốc độ tăng hơn gấp đôi.

Đến tháng 5/2016, Oppo tiếp tục tăng mạnh chiếm 21,8% thị phần tại thị trường Việt Nam. Đây được coi là bước bứt phá mạnh trong khi các tên tuổi lớn như HTC và Sony tỏ ra đuối sức hơn. Vậy điều gì khiến Oppo có thể chiếm nhanh thị phần tại Việt Nam đến vậy.

Thị phần các thương hiệu trong thị trường smartphone Việt Nam từ 2014 – Tháng 5/2016 (số liệu theo GfK).

Theo số liệu báo cáo của GfK, đầu năm 2014, Oppo chỉ mới đi vào hoạt động vài tháng, từ việc sở hữu thị phần ít ỏi chỉ 2,7%, nhà sản xuất Trung Quốc này đã vươn lên 7% vào cuối năm đó (cao nhất là 9,4% thị phần vào tháng 5/2014). Thời điểm đó, thị phần phân khúc 2 – 4 triệu chiếm 50% thị trường, và Oppo may mắn “giành” được khoảng 25% (tùy tháng). “Làm quen” với thị trường bằng dòng Neo, dù không có hoạt động tiếp thị nào, nhưng bằng sức hút tự nhiên của sản phẩm, Neo vẫn luôn là niềm tự hào của nhà sản xuất Trung Quốc này, với doanh số bán được hàng tháng luôn trên 10.000 máy, cao điểm còn đến hơn 20.000 máy và sau 1 năm tổng doanh số đạt hơn 100.000 máy. Tiếp theo dòng Neo 3 với doanh số 400.000 máy, cao gấp 4 lần phiên bản tiền nhiệm.

Trong hơn 3 năm hoạt động tại Việt Nam, hiện Oppo đứng thứ 2, chỉ sau Samsung với 21.8% thị phần (tính đến tháng 5/2016, theo số liệu GfK). Phân khúc 2 – 4 triệu chiếm 41,9%, tương đương gần 5,4 triệu sản phẩm đã được bán ra, Oppo chỉ sở hữu 36% thị phần của phân khúc này. Các sản phẩm của hãng liên tục có mặt trong top bán chạy hàng tháng của cả thị trường, cũng như những nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam, với các mẫu vào phân khúc tầm trung từ 3 – 7 triệu: Neo 5, Neo 7 và R7 Lite, F1.

Để đạt được thành công này, Oppo đã đánh trúng tâm lý người Việt khi biết rằng, phân khúc giá từ 2-4 triệu có sức tiêu thụ lớn nhất của thị trường. Chính vì vậy, Oppo đã tập trung vào phát triển dòng sản phẩm Hero – Neo Series: Neo (tháng 12/2013); Neo 3 (tháng 6/2014); Neo 5 (tháng 4/2015); Neo 7 (tháng 11/2015), để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Năm 2016, thị trường ĐTDĐ Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng thêm 20 – 25% so với năm 2015. Thực tế 5 tháng đầu năm đã chứng minh dự đoán này có thể đúng, bởi hơn 5,8 triệu sản phẩm đã được bán ra, (trung bình gần 1,2 triệu máy/tháng). Phân khúc 2 – 4 triệu có đà giảm khi chỉ còn chiếm 38,9% thị trường, song Oppo chiếm tới 2/3 thị trường, tương đương 61,6%.

Ngoài phân khúc cận trung với dòng Neo, nửa đầu năm 2016, Oppo đã giới thiệu 2 mẫu tầm trung và cao là F1 và F1 Plus. Hiện tại, F1 vẫn đang có sức bán rất tốt, tạo đà phát triển cho Oppo trong phân khúc 6 triệu.

Đi xuống không phanh của Microsoft

Sau khi mua lại mảng smartphone của Nokia, thị phần của Microsoft tăng mạnh, theo số liệu của GfK, trong năm 2014, Microsoft đứng thứ hai chiếm tới 26,4% thị phần, chỉ đứng sau Samsung và bỏ xa các nhà sản xuất khác tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, ánh hào quang đó không được bao lâu khi hãng này loại dần tên thương hiệu Nokia trên các dòng smartphone Lumia nhằm tạo ra dấu ấn riêng của Microsoft trong thị trường smartphone. Tuy nhiên, Microsoft không thể tìm được thành công tại thị trường smartphone với thương hiệu Lumia khi đến năm 2015, thị phần của hãng sụt mạnh còn 15,5% và đến tháng 5/2016 chỉ co lại còn 4,7%. Đây quả là kết quả đáng thất vọng đối với “gã khổng lồ” phần mềm Mỹ tại thị trường Việt.

Asus ôm mộng chung “thuyền” với Samsung và Apple

Trái ngược với Oppo khi Asus mang tham vọng đứng chung “thuyền” với Samsung và Apple trong phân khúc cao cấp với loạt smartphone ZenFone 3 vừa phô diễn tại Việt Nam hôm 14/7.

Nếu như năm 2014, phân khúc được Asus nhắm tới có giá dưới 4 triệu đồng thì đến năm 2015, với loạt ZenFone 2, Asus đã nhen nhóm tiến tới phân khúc cao hơn khi ra mắt ZenFone 2 cấu hình mạnh với mức giá 7,49 triệu đồng – đây được coi là phiên bản giá đắt nhất của Asus vào thời điểm đó.

Asus ZenFone 3 Deluxe giá đắt ngang iPhone 6s.

Khi ra mắt sản phẩm ZenFone 2, Asus đã định vị đây là sản phẩm cao cấp nhưng để có thị trường, để người dùng biết đến, Asus đã đưa ra một mức giá tốt hơn những gì đang cung cấp ra thị trường, ông Jeff Lo – Tổng Giám đốc Asus Việt Nam khẳng định tại sự kiện ra mắt Asus ZenFone 2 hồi năm ngoái.

Có lẽ ZenFone 2 chính là “bàn đạp” để Asus tiếp cận người dùng cao cấp khi năm nay hãng đã táo bạo “dội bom” thẳng vào phân khúc cao cấp và thể hiện tham vọng đứng ngang hàng Samsung và Apple khi tung ra chiếc ZenFone 3 Deluxe phiên bản cao nhất có giá lên tới 18,49 triệu đồng, cao hơn 2 triệu đồng so với Samsung Galaxy S7 và bằng giá iPhone 6s phiên bản 16GB.

Trong thống kê mới của GfK tính đến tháng 5/2016, thị phần smartphone Asus đã có sự giảm sút đáng kể, từ 4,9% của năm 2015 này chỉ còn 2,5%. Trong khi đó, Samsung và Oppo tiếp tục mở rộng thị phần và đang duy trì vị trí dẫn đầu. Liệu đây có phải là cái giá của việc Asus thay đổi chiến lược. Việc thay đổi này chí ít cũng khiến hãng mất đi một phân khúc khách hàng trọng tâm, những khách hàng mong muốn mua các sản phẩm cấu hình mạnh với mức giá phải chăng. Do đó, thách thức đặt ra cho Asus hiện nay là rất lớn. Hãng không chỉ phải giữ được thị phần và khách hàng họ đã nắm giữ mà cả việc tái định vị lại thương hiệu.

Hà Bùi


Ý kiến bạn đọc