Cột mốc quan trọng của IBM tại thị trường Việt Nam

06:53, 09/06/2016
|

(VnMedia) - Trong 20 năm chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam, tính từ khi công ty 100% vốn nước ngoài IBM Việt Nam được thành lập, IBM đã có những dấu mốc phát triển quan trọng…

Trong 20 năm qua, IBM Việt Nam đã từ một công ty vài chục người thành một công ty vài trăm nhân viên, từ hai văn phòng đại diện nhỏ thành ba văn phòng tại các tòa nhà trung tâm ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, và từ một công ty chuyên kinh doanh phần cứng thành một công ty cung cấp các giải pháp và dịch vụ giá trị cao, như điện toán đám mây và điện toán biết nhận thức.

“IBM chúng tôi mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ đối tác với chính phủ, các doanh nghiệp và công dân Việt Nam trong một tương lai chung,” ông Eric Yeo, Tổng giám đốc IBM Việt Nam phát biểu. “Tương lai chung này là một tương lai đầy hứa hẹn, khi chúng ta có thể sử dụng Điện toán biết nhận thức để giải phóng được những tiềm năng của dữ liệu - “tài nguyên thiên nhiên” của thời đại mới, đồng thời biến thông tin và trí tuệ số thành lợi thế cạnh tranh”.

Dưới đây là một số cột mốc quan trọng trong 20 năm hoạt động của IBM tại Việt Nam:

Năm 1994: Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận, IBM trở thành công ty Mỹ đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Việt Nam (cùng với CocaCola).

Năm 1996: IBM thành lập công ty IBM Việt Nam, công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên trong ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Cũng trong năm 1996, IBM đã ký hợp đồng 1 triệu USD để bán các hệ thống RS/6000 cho Bộ Công An, trong một trong những dự án quản lý tội pháp có ý nghĩa nhất tại C27, cải tổ cách tổ chức này tiến hành điều tra tội phạm. Nhờ có hệ thống IBM Rs/ 6000 (một hệ 09 workstation được coi là nhanh nhất và mạnh nhất ngành CNTT vào những năm 1990), Bộ Công An đã có thể kết nối Hệ thống Nhận diện Vân tay Tự động (AFIS) để số hóa 5 triệu dấu vân tay của 500 nghìn tội phạm mỗi năm.

Năm 1998: Do nhu cầu giao thương xuyên biên giới tại Việt Nam tăng lên sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận Việt Nam, IBM cung cấp cho Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam (A18) các hệ thống Rs/6000 để phát triển và triển khai các giải pháp quản lý danh tính cho công dân xuất cảnh và nhập cảnh, cho phép trao đổi thông tin nhận dạng một cách nhanh chóng và chính xác ở tất cả các sân bay và cửa khẩu của cả nước. Đây là lần đầu tiên một "chuỗi thông tin" quy mô đầy đủ được thiết lập để hỗ trợ các hoạt động xuất nhập cảnh của Việt Nam.

1998-2001: Theo Dự án Hiện đại hóa hệ thống ngân hàng do Ngân hàng Thế giới tài trợ bắt đầu từ năm 1995, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã bắt tay vào hành động... Từ năm 1998 đến năm 2001, IBM đã trang bị cơ sở hạ tầng cốt lõi ngân hàng cho tất cả bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Việt Nam: Vietcombank, Vietinbank, Agribank và BIDV. Sau thành công của bốn ngân hàng lớn này, các ngân hàng thương mại khác ở Việt Nam lần lượt có động thái - gần 60% của các ngân hàng tại Việt Nam tìm đến cơ sở hạ tầng và giải pháp ngân hàng lõi của IBM.

Năm 2002: IBM hỗ trợ British Petroleum Việt Nam trong một dự án lớn kéo dài hai năm nhằm trang bị cho hoạt động khai thác khí đầu tiên trong dự án Nam Côn Sơn trị giá 1,3 tỷ USD. Vận chuyển bằng đường ống dẫn dài 399km tới nhà máy điện Phú Mỹ, phía nam thành phố Hồ Chí Minh, từ các mỏ khí ngoài khơi, đây là một trong các dự án dầu khí có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2006 - Trong một dự án trị giá 48 triệu USD do Ngân hàng Thế giới tài trợ, IBM triển khai "Hệ thống Kho bạc và Thông tin Quản lý Ngân sách" (TABMIS). TABMIS là một cấu phần quan trọng của dự án Cải cách Quản lý Tài chính Công (PFMRP) do Bộ tài chính thực hiện, nền tảng của cải cách quản lý tài chính công của chính phủ Việt Nam. Dự án này nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính công, thông qua việc hiện đại hóa các chức năng quản lý ngân quỹ và ngân sách nhà nước, bao gồm phân bổ ngân sách, các khoản phải nộp, các khoản phải thu, quản lý tiền mặt, quản lý đơn đặt hàng và báo cáo quản lý.

Năm 2008: IBM thúc đẩy sự phát triển của điện toán đám mây tại Việt Nam từ năm 2007. Là công ty đầu tiên giới thiệu công nghệ ĐTĐM ở Việt Nam, năm 2008 IBM đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam để triển khai Cổng Thông tin Đổi mới và Sáng tạo (VIP ), một chương trình hướng sáng tạo mở trên nền tảng điện toán đám mây. Cũng trong năm 2008, IBM đã thành lập Trung tâm Giải pháp Điện toán Đám mây tại Việt Nam để giúp chính phủ đưa ra những mô hình đầu tư CNTT mới, hướng tới một môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế và xã hội Việt Nam.

Năm 2009: Giai đoạn 2 của Dự án "Hệ thống thanh toán liên Ngân hàng" của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn IBM triển khai, nâng cấp hệ thống để kết nối hiệu quả 72 ngân hàng và 300 chi nhánh, xử lý hơn 40.000 giao dịch mỗi ngày. Nền tảng công nghệ Power 595 được đánh giá là có tính sẵn sàng cao, có thể mở rộng trong tương lai, khắc phục sự cố nhanh, liên tục và bền vững, backup dữ liệu tự động. Đây là một dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành ngân hàng VN và nền kinh tế. 

Năm 2013: Từ tháng 5/2012, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của Việt Nam và là một trong 33 thành phố trên toàn thế giới được tập đoàn IBM hỗ trợ phát triển dự án "Thành phố thông minh hơn". Với sự tư vấn của đoàn Tình nguyện viên quốc tế cao cấp IBM, bao gồm các chuyên gia là các lãnh đạo IBM, năm 2013 IBM và thành phố Đà Nẵng đã chính thức công bố triển khai hai dự án thí điểm là "Giao thông thông minh hơn" và "Nước thông minh hơn", cho thấy những hiệu quả của việc áp dụng CNTT vào quản lý tài nguyên và hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Điều này đã mở ra triển vọng nhân rộng mô hình thành phố thông minh ra các địa phương khác của Việt Nam.

Năm 2016 - Kỷ nguyên của Điện toán biết Nhận thức: “Điện toán biết nhận thức” (Cognitive Computing) là khái niệm dùng để mô tả những hệ thống có khả năng học hỏi ở quy mô nhanh và sâu, luận giải có mục đích, và tương tác với con người thông qua ngôn ngữ tự nhiên. Lần trình diễn rộng rãi đầu tiên của công nghệ Điện toán biết nhận thức là vào năm 2011, khi chiếc máy tính IBM Watson ra mắt toàn thế giới và đánh bại hai nhà vô địch nổi tiếng giới trò chơi truyền hình Mỹ Ken Jennings (74 lần vô địch liên tiếp) và Brad Rutter (lập kỷ lục về tiền thưởng lớn nhất) trong trò chơi Jeopardy!, một trong những trò chơi truyền hình hấp dẫn nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Năng lực của máy tính Watson trong việc trả lời những câu hỏi ẩn ý, phức tạp theo kiểu chơi chữ thể hiện khả năng xử lý những tập hợp dữ liệu ngày càng phức tạp và đã phát triển năng lực tìm hiểu, lý giải và học hỏi vượt xa công nghệ “giải mã”.

Các hệ thống điện toán biết nhận thức sẽ giúp chúng ta hiểu được 80% lượng dữ liệu “phi cấu trúc” trong số 2.5 ngàn tỷ tỷ tỷ (quintillion) bytes dữ liệu sản sinh ra mỗi ngày từ mạng xã hội, di động, Internet của vạn vật, và từ mọi hoạt động diễn ra trên hành tinh chúng ta. Điều đó cho phép con người theo kịp khối lượng, độ phức tạp và bản chất không dự đoán được của thông tin và các hệ thống trong thế giới hiện đại. Hơn 50 ứng dụng của Điện toán biết nhận thức đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, trên nhiều nước như lĩnh vực y tế và sức khỏe, khách sạn, thể thao, ngân hàng, bán lẻ…

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc