Chính phủ điện tử Việt Nam: Bao giờ mới bứt phá?

13:35, 30/03/2016
|

(VnMedia) - Được bắt đầu triển khai từ năm 2003, tới nay đã 13 năm nhưng những thành tựu đạt được của chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam vẫn chưa mấy ấn tượng. Vẫn biết rằng việc xây dựng thành công CPĐT không phải chuyện một sớm một chiều, nhưng vấn đề là tới bao giờ?

Đó cũng là băn khoăn được nhiều đại biểu chia sẻ tại Hội thảo quốc gia về chính phủ điện tử 2016 diễn ra tại Hà Nội ngày 30/3. Không băn khoăn sao được khi ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ rằng, hạ tầng kỹ thuật cho CPĐT nhiều nơi vẫn chưa đáp ứng được. Về ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ, chưa kết nối, và chưa chia sẻ thông tin trên diện rộng. Tỉ lệ các văn bản điện tử được trao đổi qua mạng còn hạn chế; việc điều hành, xử lý công việc qua mạng còn chưa nhiều.

Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông tham luận tại Hội thảo.

Trong khi đó, ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, cụ thể các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 3,4) chưa nhiều. Việc triển khai cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin quốc gia - vốn là nền tảng của CPĐT - vẫn còn chậm.

Sự chậm chễ về triển khai chính phủ điện tử Việt Nam không phải bây giờ mới được nhắc tới. Theo thông tin được đưa ra tại Diễn đàn cấp cao CNTT - Truyền thông 2015 (Vietnam ICT Summit 2015) tháng 6/2015, chỉ số xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2014 đã tụt 19 bậc (đứng thứ 99 theo xếp hạng của Liên hợp quốc).

Chưa hết, do hạn chế về hạ tầng CNTT và chậm chạp trong ứng dụng CNTT dẫn tới chỉ số phát triển CNTT-TT năm 2015 của Việt Nam chỉ xếp thứ 102/167, tụt 8 bậc so với năm 2014 (khảo sát của Liên hiệp Viễn thông Quốc tế năm 2015). Trong khi đó, ứng dụng CNTT trong hoạt động của bộ máy nhà nước được xem là điều kiện tiên quyết để phát triển CPĐT trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thành phố thông minh: Cần thêm thời gian!

Cùng với phát triển CPĐT, xây dựng thành phố thông minh cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm đã và đang được triển khai. Trong khi đô thị hóa toàn cầu đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng, việc ứng dụng CNTT trong xây dựng thành phố thông minh được coi như một giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán quản lý đô thị và phát triển kinh tế- xã hội.

Thực tế hiện nay cho thấy rằng, hạ tầng giao thông tại Việt Nam tuy được chú trọng đầu tư nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao. Bình quân đầu tư vào hạ tầng giao thông của Việt Nam từ năm 1995 đến nay vào khoảng 4-5% trên tổng số GDP, trong khi nhiều nước chỉ đạt 2-3%.

Nhận thức được vấn đề trên, Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã chính thức đưa ra "Giải pháp giao thông thông minh trên nền bản đồ số" với kỳ vọng sẽ giải quyết được bài toán giao thông phức tạp hiện nay.

Cùng với giao thông, ngành y tế cũng có những hoạt động đáng chú ý khi kế hoạch ứng dụng và phát triển CNTT giai đoạn 2016-2020 được Bộ Y tế phê duyệt với 33 dự án triển khai với vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vào đầu tháng 2/2016, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ chính thức được triển khai với các cơ sở khám, chữa bệnh.

Ứng dụng CNTT của Hà Nội tới đâu?

Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng CNTT trên nhiều lĩnh vực, từ cải cách hành chính tới y tế, giáo dục, giao thông; đồng thời phân công lãnh đạo trực tiếp triển khai ứng dụng và phát triển CNTT cho thành phố, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội nhận định.

"Nhiệm vụ trọng tâm từ năm 2016-2020, Hà Nội sẽ xây dựng, khai thác các cơ sở dữ liệu then chốt về dân cư, đất đai và xây dựng" ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội cho biết.

Theo ông Tuấn, về cải cách hành chính, Hà Nội hiện có 100% dịch vụ công mức 2, 200 dịch vụ công mức 3 và mức 4, trên 20 hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai. Về y tế, bước đầu triển khai hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý ngành, hỗ trợ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT trong y tế được Hà Nội đánh giá còn nhiều hạn chế; ứng dụng bệnh án điện tử chưa nhiều; chưa liên thông giữa các hệ thống thông tin y tế; và ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh còn thấp.

Trong khi đó, ngành giao thông cũng chưa ứng dụng CNTT được nhiều. Hà Nội cũng mới chỉ cung cấp dịch vụ công ở mức 3 đối với giấy phép lái xe qua mạng. Ngoài ra, còn có thêm ứng dụng VOV bản đồ giao thông, hệ thống thẻ vé xe điện tử thông minh, ứng dụng GIS xây dựng các lớp bản đồ chuyên đề…

Chỉ có giáo dục là có mức độ triển khai CNTT được đánh giá khả quan. Hiện tại, kết nối Internet băng rộng đã được triển khai rộng khắp. Hơn 73% trường học được trang bị phòng máy/ phòng họp đa năng. Các phần mềm quản lý trường học, phần mềm thi và tuyển sinh, báo cáo thống kê, quản lý thư viện điện tử, quản lý học liệu điện tử, kênh kết nối nhà trường – gia đình được áp dụng hiệu quả.

Lộ trình

Trong giai đoạn từ 2016 tới 2020, CPĐT Việt Nam sẽ hướng tới một số mục tiêu then chốt, chủ yếu là cải thiện và nâng cao các dịch vụ công. Thứ nhất, cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế để giảm thời gian, số lần phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước.

Thêm vào đó, ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước cũng được đẩy mạnh để tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động.

Ngoài ra, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật tạo nền tảng phát triển CPĐT, bảo đảm an toàn, an ninh thông tinh; tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, CSDL quy mô quốc gia trên cơ sở Khung Kiến trúc CPĐT Việt Nam cũng được chú trọng.

Cuối cùng là thực hiện thành công các mục tiêu hàng năm nêu trong nghị quyết của Chính phủ về CPĐT.

B.H


Ý kiến bạn đọc