900 triệu dân Ấn Độ không thể kết nối Internet, vì sao?

16:47, 10/03/2016
|

(VnMedia) - Ấn Độ luôn tự hào là quốc gia có nhiều hãng, công ty CNTT và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Viễn thông, số hóa… nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, ở đây hiện có khoảng 900 triệu dân chưa biết đến Internet. Vậy nguyên nhân do đâu? Chúng ta cùng tìm hiểu.

Theo trung tâm nghiên cứu Pew, trong năm 2015, chỉ có 22% người trưởng thành ở Ấn Độ truy cập vào mạng Internet. Ấn Độ được biết đến là một trong những quốc gia đang phát triển và có tỷ lệ dân số đông nhất thế giới giống như Trung Quốc và Brazil, nhưng tỷ lệ kết nối Internet ở hai quốc gia nói trên lại luôn ở mức cao, lần lượt là 65% và 60%.

Để tìm hiểu nguyên nhân tại sao, lại có quá nhiều người dân Ấn Độ không biết đến Internet đến vậy, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Truyền thông (CCDS) gần đây đã tiến hành một nghiên cứu tại Pune - Trung tâm sản xuất IT và là ngôi nhà của hơn 3 triệu người đã đưa ra 4 nguyên nhân chính như sau:

Cơ sở hạ tầng

Ấn Độ chỉ đơn giản là thiếu các thiết bị định tuyến, thiếu hệ thống kết nối cáp quang và máy chủ để mở rộng khả năng truy cập Internet. Bên cạnh đó, phần lớn các khu vực nông thôn nơi mà người dân có mức thu nhập còn thấp,có rất ít các điểm truy cập Wifi công cộng và cơ sở hạ tầng để phát triển hệ thống kết nối băng rộng tốc độ cao chưa được đồng bộ. Dẫn đến tỷ lệ kết nối Internet trên di động còn rất hạn chế. Nilotpal Chakravarti – phát ngôn viên của Hiệp hội Internet và Di động Ấn Độ cho hay, trên khắp đất nước Ấn Độ, cơ sở hạ tầng kết nối vẫn còn khá chắp vá và chất lượng kết nối của mạng 3G chỉ tương đương như 2G. Chất lượng kết nối di động ở các khu vực cũng rất khác nhau, có thể tốt ở nơi này, nhưng rất tệ ở nơi khác. Ví dụ như những người sống ở khu vực “ổ chuột” thường phải đi bộ rất xa như xuống đồi hoặc đi ra những con đường chính để truy cập vào mạng.

Khác biệt về giới tính

Theo Pew, có một khoảng cách rất lớn về giới tính những người sử dụng Internet ở Ấn Độ, trong khi có 27% đàn ông nước này sử dụng Internet thì với phụ nữ chỉ là 17%. Các nhà nghiên cứu của CCDS cũng tìm thấy một loạt các vấn đề liên quan đến giới tính của những người truy cập Internet. Phần lớn phụ nữ ở Ấn Độ không đi làm và ở nhà làm các công việc nội trợ, nên họ không được quyền quản lý tài chính. Nếu phụ nữ có thể sử dụng Internet, thì họ sẽ bị đàn ông trong gia đình kiểm soát rất chặt chẽ.

Một phụ nữ Ấn Độ được trung tâm nghiên cứu CCDS phỏng vấn cho biết, mọi người trong khu vực mà cô đang sinh sống không muốn nhìn thấy đàn bà, con gái sử dụng điện thoại di động, vì như thế là “không tốt” chút nào. Nếu cô gái nào đó sử dụng điện thoại di động là không phù hợp với văn hóa cộng đồng. Kết quả là, việc truy cập Internet của phụ nữ lại phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc smartphone của những người đàn ông trong gia đình như chồng hoặc con trai. Có quan niệm cho rằng, Internet là môi trường không an toàn cho phụ nữ, đơn giản vì họ sẽ bị dẫn vào con đường sai lầm và bị lợi dụng.

 Khả năng chi trả

Việc có đủ khả năng chi trả cho một thiết bị kết nối Internet có thể là một việc làm khó khăn ở một đất nước mà 75% dân số chỉ kiếm được chưa đầy 5.000 rupee (tương đương 74 USD) mỗi tháng.

Một số người dùng để tiết kiệm chi phí thường tìm mua những chiếc điện thoại secondhand (đã qua sử dụng), tuy nhiên những thiết bị giá rẻ với dung lượng bộ nhớ vừa phải và khả năng truy cập tương đối thì vẫn vượt quá khả năng chi trả của rất nhiều người. Có những gói dữ liệu với giá chỉ 18 hoặc 5 rupee. Với mức giá như vậy thì cũng khó có khả năng truy cập vào các ứng dụng như tải nhạc hoặc video.

Kiến thức sử dụng dịch vụ Internet

Khảo sát cũng cho thấy, rất nhiều người dân Ấn Độ thiếu những kiến thức cơ bản về Internet. Năm 2015, khoảng 5% người dân được hỏi sống ở các khu vực đô thị và ¾ người dân sống ở khu vực nông thôn nói rằng họ không có khái niệm gì về Internet, do đó không sử dụng dịch vụ này. Các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng Internet và truy cập vào các lĩnh vực liên quan đến giáo dục, người dùng sẽ học được cách sử dụng dịch vụ Internet, truy cập vào các ứng dụng như Facebook, YouTube và Whatsapp. Tóm lại, Internet chính là kho tàng kiến thức khổng lồ mà mọi người có thể khám phá và người dân Ấn Độ không nên bỏ lỡ.

Phạm vi phủ sóng dịch vụ Internet trên toàn cầu

Đã hơn 46 năm kể từ ngày khách hàng đầu tiên tiếp cận dịch vụ online, 23 năm kể từ ngày trình duyệt NCSA Mosaic gây bùng nổ hệ thống World-Wide Web, nhưng đến nay vẫn hơn phân nửa dân số thế giới - khoảng 4,1 tỷ người - không được tiếp cận với Internet, theo báo cáo State of Conectivity 2015. Hơn 10 năm qua, mỗi năm có khoảng 200-300 triệu người dùng  mới tiếp cận Internet”. Ở tốc độ đó, thế giới sẽ cần 15-20 năm hoặc hơn để kết nối tất cả mọi người. Và rào cản để người dân trên toàn cầu tiếp cận được tới dịch vụ này chủ yếu bắt nguồn từ : Độ phủ sóng, giá cước, ngôn ngữ và nhận thức.


Ý kiến bạn đọc