Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 có gì "hot"?

14:56, 29/01/2016
|

(VnMedia) - Sáng nay (29/1), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã tổ chức Lễ Công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2015.

Ông Nguyễn Kỳ Minh - Chánh văn phòng VECOM cho biết, để ra được những chỉ số này, VECOM đã tiến hành khảo sát gần 5000 doanh nghiệp trên cả nước theo 4 tiêu chí gồm nguồn nhân lực và hạ tầng ICT; Giao dịch B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng); Giao dịch B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp) và giao dịch G2B (chính phủ với doanh nghiệp).

Ông Nguyễn Kỳ Minh – Chánh văn phòng VECOM công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2015.

Kết quả cho thấy, trong năm 2015 thương mại điện tử phát triển nhanh, thâm nhập vào mọi lĩnh vực kinh doanh và có sự gắn kết khăng khít với công nghệ thông tin và truyền thông, trở thành một trong các trụ cột của tiến trình xây dựng xã hội thông tin và kinh tế tri thức ở nước ta. Một số doanh nghiệp hàng đầu về thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng trên 200%.

Mặt khác, chỉ số Thương mại điện tử năm 2015 cho thấy, có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương. Xu hướng này có thể tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội liên tiếp đứng đầu Chỉ số Thương mại điện tử trong 4 năm qua, vượt xa tất cả các địa phương khác.

Sự tiến bộ đáng kể trong giao dịch trực tuyến giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp (G2B). Đón bắt xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động đã trở thành công cụ quan trọng trong kinh doanh trực tuyến, đã có 26% doanh nghiệp có website tương thích với thiết bị di động và 18% có các ứng dụng di động phục vụ kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chưa đáp ứng với triển khai thương mại điện tử theo chiều sâu. Đồng thời, dịch vụ chuyển phát, hoàn tất đơn hàng và thanh toán trực tuyến chưa đáp ứng tốt đòi hỏi của thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cũng chưa quan tâm thỏa đáng với hoạt động tiếp thị trực tuyến.

Mạng xã hội tiếp tục được sử dụng nhiều để quảng bá website với tỷ lệ 47%, tương đương với tỷ lệ quảng bá trên các công cụ tìm kiếm. Trong khi tỷ lệ quảng bá trên các công cụ tìm kiếm duy trì ở mức cao và ổn định, thì tỷ lệ này trên các mạng xã hội có xu hướng chậm lại ở mức cao tương đương với tỷ lệ trên các công cụ tìm kiếm.

Căn cứ Chỉ số này, VECOM cho rằng, TMĐT Việt Nam đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn thứ ba là giai đoạn phát triển nhanh. Hai giai trước là giai đoạn hình thành (1998-2005) và phổ cập (2006-2015).

B.H


Ý kiến bạn đọc