Giới trẻ Việt dành hơn 15 giờ/tuần cho điện thoại

16:25, 20/11/2015
|

(VnMedia) - Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy, với trên 60,500 người sử dụng internet trên toàn thế giới, thời gian trung bình một người trẻ ở Việt Nam thuộc thế hệ Millennials (trong độ tuổi 16-30) dành cho sử dụng điện thoại di động hàng ngày là 2,2 giờ. Câu hỏi được đặt ra: các thương hiệu thiết bị số cần làm gì để nắm bắt được xu hướng này?

Con số được công bố từ kết quả nghiên cứu của dự án Connected Life do công ty tư vấn nghiên cứu toàn cầu TNS thực hiện nêu trên tương đương với 15,4 giờ/ tuần, hoặc hơn 1 tháng/ năm. Khi sử dụng điện thoại, các bạn trẻ Millennials Việt Nam dành 53% thời gian trên các trình duyệt web mạng xã hội, 41% thời gian xem video và 6% thời gian cho việc mua sắm trực tuyến. Họ cũng dành chưa tới 1 giờ 1 ngày để xem TV, nhưng lại không có nhu cầu nghe radio và đọc báo.

Các thương hiệu thiết bị số đều cảm nhận rõ rệt xu hướng này và đang tận dụng nó để tìm cách tiếp cận tốt nhất với nhóm khách hàng tiềm năng này thông qua các kênh truyền thông nói trên. Tuy nhiên, việc quá tập trung vào những người trẻ có thể coi là một sự xao nhãng đắt giá. Bởi việc liên tục đuổi theo những người dùng trẻ, luôn cập nhật các phương tiện truyền thông tiên tiến nhất, các hãng đang có nguy cơ bỏ qua rất nhiều khách hàng - những người cũng đang có những thay đổi hành vi mua hàng một cách đáng kể, nhưng ở một tốc độ chậm hơn.

Đó là những những người tiêu dùng lớn tuổi vẫn hàng ngày truy cập internet và vẫn duy trì việc sử dụng các kênh truyền thông truyền thống, thuộc lứa tuổi 46 - 65 tại Việt Nam. Nhóm người này thường dành 2 giờ mỗi ngày cho việc xem TV và hơn 10 phút mỗi ngày cho đọc báo. Tuy nhiên, nhóm người tiêu dùng lớn tuổi cũng đang có những sự dịch chuyển, có dấu hiệu cho thấy họ đang sử dụng các phương tiện truyền thông trực tuyến một cách thường xuyên hơn. Những người tiêu dùng tuổi từ 46-65 cũng dành 1,5 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng điện thoại, trong đó 21% quỹ thời gian dành cho việc truy cập facebook.

Tốc độ kép này trong tỷ lệ tiêu dùng tạo ra một "khoảng cách số" ngày càng lớn và rõ nét nhất tại các thị trường phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Ở châu Á - Thái Bình Dương, khoảng cách này hẹp hơn, khi những người lớn tuổi sử dụng điện thoại di động nhiều hơn so với các nước phương Tây. Tuy nhiên sự khác biệt giữa các thế hệ vẫn làm nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc thiết kế nội dung cho phù hợp với các đối tượng người tiêu dùng khác nhau.

Theo ông Ashish Kanchan, Giám đốc điều hành TNS Việt Nam, điện thoại di động đã thay đổi bộ mặt của thị trường tiếp thị tại Việt Nam. Thế hệ Millennials đang là đối tượng chính, tuy nhiên chúng ta cũng không thể bỏ qua thế hệ người tiêu dùng lớn tuổi hơn, những người vẫn đang chịu rất nhiều ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông truyền thống. Đối với chiến lược theo từng cấp, nó sẽ phản ánh việc chi tiêu vào kênh nào sẽ thích hợp hơn cho các nhà tiếp thị tại Việt Nam.

Với kinh nghiệm của mình, ông Joseph Webb, Giám đốc toàn cầu của dự án Connected Life cho rằng, trong cuộc đua bắt kịp với người tiêu dùng và giữ họ ở lại trên những nền tảng mới nhất, các hãng cần phải giải quyết hai thách thức. Thứ nhất, họ cần phải chắc chắn rằng họ đang tập trung vào các nội dung mang tính định hướng, chiến dịch mang tính chia sẻ chạm được tới thế hệ Millennials. Thứ hai, họ cần phải có một chiến lược thực sự am hiểu khi xem xét đến khoảng cách số giữa các thế hệ. Mặc dù những người trong độ tuổi hơn 30 có thể không sử dụng điện thoại di động thường xuyên như thế hệ Millennials, nhưng các thương hiệu không nên vì thế để nhận định rằng khách hàng lớn tuổi thường chỉ nhắm đến phương tiện truyền thông truyền thống.

Theo ông Joseph Webb, hành vi tiêu dùng của khách hàng đang có sự dịch chuyển và khả năng chi trả của họ (nhóm ngưới tiêu dùng lớn tuổi) cao hơn nhiều so với những nỗ lực mà các hãng đang bỏ ra để thiết kế những thông điệp hay những kế hoạch tiếp thị phù hợp với nhóm này.


Ý kiến bạn đọc