Chiêu thức thâu tó​m của ông chủ Hãng phim truyện Việt Nam

15:28, 23/09/2017
|

Những doanh nghiệp ít được chú ý nhưng có quỹ đất lớn là mục tiêu thâu tóm "ưa thích" của ông chủ Công ty Vạn Cường.

 

Cổng vào Hãng phim truyện Việt Nam
Cổng vào Hãng phim truyện Việt Nam

Việc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường - một doanh nghiệp tư nhân lớn hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông tiến hành thâu tóm Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), và sau đó thông qua công ty này sở hữu 65% Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đã đặt ra câu hỏi lớn trong những ngày qua về mục tiêu kinh doanh, bởi hai đơn vị được thâu tóm có hoạt động không mấy liên quan.

Tuy nhiên, dù Vivaso và VFS không có điểm chung về hoạt động kinh doanh chính, nhưng cả 2 thương vụ này đều ít nhiều có sự giống nhau về bản chất của đơn vị bị thâu tóm, cũng như cách thức quản lý sau cổ phần hóa của Vạn Cường.

Điểm chung đầu tiên là bất động sản. Hoạt động của VFS và Vivaso thực tế không mấy liên quan tới Vạn Cường - doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông khi từng được Bộ Giao thông vận tải giao nhiều dự án thi công đường bộ lớn như quốc lộ 1A và quốc lộ 14.

Tuy nhiên, cả VFS và Vivaso đều có điểm chung là quá trình cổ phần hóa không thành công khi thu hút được ít sự chú ý, nhưng những "tài sản ngầm" của 2 đơn vị này lại có quy mô lớn.

Với Vivaso, do phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào 2014 không thành công, nên số tiền mà Vạn Cường bỏ ra để thâu tóm doanh nghiệp này cũng nhờ vậy mà ở mức giá tối thiểu bằng mệnh giá - 10.000 đồng cho mỗi cổ phần.

Dù vậy, ngoài những tài sản liên quan tới hoạt động vận tải thủy, công ty còn quản lý sử dụng các cảng sông lớn nhất miền Bắc (cảng Hà Nội, Việt Trì, Ninh Phúc, Hòa Bình, Hà Bắc), cùng nhiều khu đất có giá trị lớn tại Hà Nội. Trong số này có thể kể đến như khu đất gần 800m2 tại số 158 Nguyễn Văn Cừ, cơ sở kinh doanh tại số 78 Bạch Đằng với diện tích 146.385m2 hay khu đất tại Khương Hạ với quy mô 833m3.

Còn với VFS, chỉ bỏ ra hơn 32 tỷ đồng để sở hữu 65% vốn điều lệ công ty, nhưng Vạn Cường được tiếp quản quyền và nghĩa vụ với các khu đất thuộc quản lý của doanh nghiệp này.

Theo công bố thông tin bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng đầu năm 2016, VFS hiện đang quản lý và sử dụng 4 khu đất ở Hà Nội và TP HCM. Trong đó có 2 khu đất “vàng” là số 4 Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội và số 6, Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM.

Theo đề án sau cổ phần hóa, khu "đất vàng" số 4 Thụy Khuê dù đã hết hạn từ năm 2002, sẽ được VFS kiến nghị chuyển thành đất thuê 50 năm, trả tiền hàng năm.

 

Phương án sử dụng khu
Phương án sử dụng khu "đất vàng" số 4 Thụy Khuê dự kiến sau cổ phần hóa.

Điểm chung thứ hai là cam kết của nhà đầu tư chiến lược sau cổ phần hóa. Tương tự những lùm xùm tại VFS hiện tại, câu chuyện "hậu" cổ phần hóa của Vivaso cũng diễn ra có nhiều điểm tương đồng.

Quá trình cổ phần hóa tại "đầu tàu" vận tải thủy như Vivaso với kỳ vọng sẽ đem lại sự bứt phá cho ngành vận tải đường thủy, đã không diễn ra như mong đợi. Hai năm sau cổ phần hóa, Cảng Hà Nội từng lừng lẫy một thời chỉ tồn tại cầm chừng với hoạt động cho thuê kho bãi. Đại diện Cảng vụ Đường thủy Hà Nội trong lần trả lời báo chí cũng cho biết, không có bất cứ đầu tư mới nào vào cảng Hà Nội sau 2 năm cổ phần hóa. Thậm chí hoạt động của đơn vị này còn thu gọn lại. 

Đơn cử, trước cổ phần hóa, cán bộ công nhân cảng có hàng trăm người, nhưng đến cuối năm 2016 nhân sự trực tiếp vận hành chỉ còn vỏn vẹn 5 người. Đa số công nhân bị trả lương thấp đã xin nghỉ và bán lại cho Vạn Cường số cổ phần ưu đãi sở hữu còn lại.

Các cảng đường thủy lớn tại miền Bắc cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi hoạt động nổi bật nhất sau cổ phần hóa Vivaso lại là cho đơn vị vận tải đường bộ khác thuê hạ tầng. Tòa nhà trụ sở chính của Vivaso trên đường Nguyễn Văn Cừ cũng được cho thuê lại, còn đơn vị này dồn trụ sở về cảng Hà Nội.

Với Hãng phim truyện Việt Nam, việc chi hơn 32 tỷ đồng trở thành cổ đông chiến lược VFS cũng chính là khoản đầu tư lớn đầu tiên của Vivaso dưới thời Vạn Cường. Và "kịch bản quen thuộc" cũng diễn ra tại VFS. Các nghệ sĩ của hãng phim đã có đơn kêu cứu sau gần ba tháng được Tổng công ty Vận tải thủy mua lại, bởi nhà đầu tư chiến lược không đáp ứng những cam kết trước đó, cũng như mục đích thực sự của việc đầu tư.

Điều này cũng không phải không có căn cứ nếu nhìn lại những tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược khi VFS cổ phần hóa.

Theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt, ngoài những tiêu chuẩn về năng lực tài chính và cam kết không chuyển nhượng cổ phần, nhà đầu tư chiến lược còn phải đáp ứng nhiều yêu cầu về quản trị "hậu" cổ phần hóa.

Trong đó, nhà đầu tư chiến lược của VFS phải có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài, thúc đẩy hoạt động và mở rộng lĩnh vực sản xuất phim, văn hóa điện ảnh. Đơn vị này cũng phải dành một phần vốn tối thiểu bằng 20% vốn đầu tư của chủ sở hữu và sử dụng hợp lý quỹ đất cho lĩnh vực sản xuất phim và văn hóa điện ảnh.

Tuy nhiên, theo các nghệ sĩ, hoạt động của VFS sau cổ phần hóa đã không như cam kết, khi chủ đầu tư nợ lương, không có dự án phim truyện, không đầu tư vào lĩnh vực hoạt động chính...

Đại diện Vivaso, ông Nguyễn Thuỷ Nguyên - Chủ tịch Công ty Vạn Cường cho biết, hiện mỗi tháng khoản lỗ của đơn vị này tại VFS khoảng 800 triệu đồng, 6 tháng đầu năm lỗ hơn 4 tỷ. Ông cũng lý giải, đơn vị mới tiếp quản hãng được hơn 2 tháng nhưng cũng đã làm được một bộ phim. Việc trả lương trước mắt mới là tạm ứng bởi cần thời gian để rà soát lại cách tính lương. 

Với những bất động sản của hãng quản lý, ông Nguyên cho biết là đất thuê, nên "bất cứ khi nào thành phố yêu cầu thu hồi thì doanh nghiệp phải tuân thủ".

Theo VnExpress


Ý kiến bạn đọc