Không nên đánh thuế nhà thứ hai với nhà dưới 1 tỷ đồng?

11:14, 11/08/2017
|

(VnMedia) - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng việc thu thuế nhà thứ hai nên tránh áp dụng đối với nhà xã hội, thương mại giá trị dưới 1 tỷ đồng.

Mới đây Bộ Tài chính có báo cáo chuyên đề về chính sách thuế đối với bất động sản, nhắm đánh thuế vào tài sản nhà, đất, nhất là đối tượng sở hữu nhiều nhà (từ căn thứ hai).

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, việc ban hành Luật thuế tài sản chỉ thực sự hợp lý khi đồng thời sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hiện nay đang rất bất cập.

Tiền sử dụng đất không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí nhưng thực sự là một khoản thu lớn trong ngân sách của địa phương, là gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà, không minh bạch, và tạo cơ chế "xin - cho".

Tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% đối với nhà chung cư; khoảng trên dưới 30% đối với nhà phố; khoảng trên dưới 50% đối với nhà biệt thự.

Do vậy, nếu ban hành Luật thuế tài sản mà không sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất thì sẽ không hợp lý.

Hiệp hội cũng đề nghị thay đổi cách tính tiền sử dụng đất hiện nay, cần chuyển đổi thành sắc thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Cụ thể, về lâu dài đề nghị nghiên cứu bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất.

"Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn, để tạo ra nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”, ông Châu nhấn mạnh.

Việc áp dụng thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong những năm đầu sẽ có tác động làm giảm nguồn thu tiền sử dụng đất thuộc ngân sách cấp tỉnh hiện đang là một nguồn thu quan trọng của địa phương, nhưng sẽ giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm gánh nặng tiền sử dụng đất như hiện nay, giúp làm giảm giá thành nhà ở; doanh nghiệp có thể tiên lượng chi phí thuế sử dụng đất khi đầu tư dự án.

Từ những bất cập trên, ông Lê Hoàng Châu đề xuất nghiên cứu một số giải pháp cụ thể để xây dựng Luật Thuế tài sản, như: Không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà cấp 4 trở xuống ở nông thôn; trước mắt không thu thuế này đối với nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng.

Không thu thuế này đối với các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật (đối với TP.HCM là dưới mức bình quân 10m2/người) nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77m2.

Trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất bậc thang tùy theo số lượng và giá trị tài sản.

Trong trường hợp xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản sốt "bong bóng", đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thẩm quyền ban hành thuế suất chống đầu cơ, đánh thuế cao đối với trường hợp chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua (có thể tính thời gian trong năm đầu tiên) để giúp ổn định nhanh thị trường bất động sản.

Về lộ trình ban hành Luật Thuế tài sản, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính vẫn thực hiện lộ trình ban hành Luật này trước năm 2020 như đã dự kiến trước đây. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị ban hành sắc thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thay thế chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất hiện nay, để đảm bảo tính đồng bộ và sự thống nhất của pháp luật.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc