Thừa Thiên - Huế: 30 hộ dân chưa được bồi thường sự cố môi trường

08:27, 19/04/2017
|

(VnMedia) - Liên quan đến việc người dân phản ánh việc UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) chưa chi trả số tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển, UBND huyện Phong Điền cho biết sẽ chi trả cho các hộ dân đủ điều kiện nhận bồi thường muộn nhất vào ngày 25/4.

Ngày 17/4, Báo Điện tử VnMedia nhận được đơn phản ánh của hơn 30 hộ dân, công ty nuôi tôm tại thôn Trung Đồng (xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), phản ánh việc UBND huyện chưa chi trả số tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Theo chia sẻ các hộ dân nuôi tôm, ngày 21/10/2016, Tổ chi trả bồi thường thiệt hại của UBND huyện Phong Điền đã gửi thông báo cho các hộ dân nuôi tôm tại xã Điền Hương, để nhận tiền bồi thường. Tổng số tiền nhận bồi thường của xã Điền Hương là khoảng 11 tỷ đồng, với hộ thấp nhất là 100 triệu đồng và cao nhất là 2,9 tỷ đồng. 

"Nhận thông báo có dấu đỏ đàng hoàng, chúng tôi đinh ninh sẽ có được khoản tiền để bù lỗ sau sự cố vừa qua. Bởi có trường hợp ở xã bị thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng do tôm chết hàng loạt. Chẳng ai mong muốn xảy ra vụ việc để tôm chết mà nhận tiền đền bù. Khoản tiền hỗ trợ mà chúng tôi nhận được chỉ như khoản tiền để tái đầu tư, khôi phục việc nuôi tôm tại xã Điền Hương. Tuy nhiên, sau 6 tháng từ khi có thông báo, chúng tôi chờ mãi chưa thấy huyện hay xã chi trả như thông báo", đưa tờ thông báo nhận tiền, một hộ dân phản ánh.

Danh sách các hộ được bồi thường
Danh sách các hộ được bồi thường

Trong đơn phản ánh, các hộ dân phản ánh: "Ngày 12/8/2016, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã ban hành công văn số 6851/BNN-TCNS gửi 4 tỉnh miền Trung là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hướng dẫn kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường biển.

Thực hiện chủ trương của nhà nước, từ tháng 8/2016, chúng tôi đã tiến hành kê khai thiệt hại cũng như cung cấp chứng cứ đầy đủ để chứng minh về thiệt hại, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được xem xét bồi thường. Trong khi đó, với những trường hợp tương tự ở các tỉnh khác như Quảng Trị, hay các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền của Thừa Thiên - Huế, đều đã được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ từ lâu.

Không những vậy, đầu tháng 4/2017, chúng tôi đã được xã mời họp và thông báo là trường hợp của chúng tôi không được bồi thường hỗ trợ. Lý do phía UBND xã đưa ra là chúng tôi còn thiếu 3 điều kiện là: "Khi tôm chết chúng tôi không báo với chính quyền địa phương xác nhận, không có test kiểm dịch khi tôm chết, sử dụng tiền điện không phù hợp".

Về việc này, người dân có ý kiến trong đơn: "Những căn cứ UBND xã đưa ra để yêu cầu chúng tôi chứng minh là phi thực tế, không có căn cứ xác định. Bởi từ trước đến nay, khi tôm chết các chủ hồ nuôi tự ý xử lý chứ không bắt buộc báo chính quyền. Mặt khác, thời điểm xảy ra vụ việc, chúng tôi không nhận được thông báo hay văn bản nào từ UBND xã hay bất kỳ cơ quan nhà nước nào, thông báo về việc phải thông báo cho chính quyền địa phương".

Khu vực đầm tôm của bà con xã Điền Hương
Khu vực đầm tôm của bà con xã Điền Hương

Trao đổi với PV, ông Trịnh Đức Hùng, chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, lãnh đạo địa phương xác nhận có đơn thư người dân phản ánh về việc này.

"Bản thân lãnh đạo huyện mong muốn giải quyết sớm mọi việc để người dân có tiền tái đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, khi chúng tôi gửi thông báo để người dân nhận tiền đã xảy ra việc người dân gửi đơn thư tố cáo về việc một số hộ nuôi tôm kê khai chưa đúng, chưa chính xác. Qua kiểm tra, chúng tôi buộc phải tạm dừng việc chi trả để tiến hành tổng kiểm tra trên địa bàn huyện", ông Hùng nói.

Lãnh đạo huyện Phong Điền cho hay, sau khi nhận được tiền bồi thường, huyện tiến hành chi trả thí điểm tại xã Điền Hương. Nhưng khi xảy ra việc người dân khiếu kiện, tố cáo các hộ trong danh sách, khi kiểm tra mới phát hiện nhiều hồ sơ thẩm định chưa có cơ sở rõ ràng.

"Do người dân không báo chính quyền địa phương sau khi xảy ra sự việc, nên không có biên bản xác minh để làm cơ sở xác minh số lượng tôm chết. Vì vậy, chúng tôi buộc dựa trên căn cứ hồ sơ quản lý nuôi của cán bộ khuyến nông xã và dựa trên diễn biến sử dụng tiền điện của các hộ. Việc kiểm tra, đối chiếu mất một thời gian dài. Việc người dân gửi đơn thư cũng do cán bộ xã chưa giải thích thấu đáo, khiến người dân chưa hiểu rõ vấn đề".

Theo thống kê của UBND huyện Phong Điền, hiện có 135 hộ nuôi tôm tại xã Phong Hải và xã Điền Hương rơi vào trường hợp chưa đủ hồ sơ thẩm định và bị đơn thư tố cáo, khiếu nại

"Sau khi đơn phản ánh gửi lên UBND tỉnh, lãnh đạo huyện Phong Điền đã có buổi làm việc với ngư dân các xã Điền Hương, Điền Môn, Điền Ngọc, Điền Hòa và Phong Hải của huyện Phong Điền vào sáng 17/4 tại xã Điền Lộc. Chậm nhất từ ngày 20 đến 25/4/2017, các hộ đủ điều kiện sẽ được tiến hành việc chi trả. Một số trường hợp còn lại, chúng tôi chờ quyết định xử lý của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, bởi các vụ việc đều nằm trong trường hợp khó xử lý", ông Hùng cho hay.

Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Liên quan đến vụ việc, phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đã gửi công văn 2170/UBND-NN gửi Bộ NN&PTNT, để phản ánh về vấn đề xảy ra trong việc chi trả cho các hộ dân tại huyện Phong Điền.

"UBND tỉnh kính đề nghị Bộ NN&PTNT bố trí cử đoàn công tác về phối hợp với địa phương để kiểm tra, xem xét, xử lý những vướng mắc, khó khăn nêu trên, nhằm hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên - Huế giải quyết dứt điểm công tác chi trả bồi thường thiệt hại", công văn có ghi.

Tú Ân


Ý kiến bạn đọc