Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Nhà đầu tư bên ngoài mới chỉ đạt 9,5%

19:19, 06/11/2017
|

(VnMedia)- Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa trên 4500 DNNN, nhưng chất lượng chưa cao, một số mục tiêu chưa đạt được, trong đó có mục tiêu bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần hóa DNNN với mức độ thấp hơn kì vọng.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, trong đó, xác định rõ danh mục DNNN cổ phần hóa đến năm 2020, bao gồm nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn.

Một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu và hiệu quả của CPH nói chung và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp CPH nói riêng, là thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào CPH, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mang lại nhiều tác dụng tích cực, như gánh nặng tài chính cho Nhà nước, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam, việc tìm kiếm được các nhà đầu tư chiến lược luôn gặp thách thức, khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, chi phí, luôn tồn tại mâu thuẫn mục tiêu của các bên tham gia, thậm chí, việc tìm kiếm cổ đông chiến lược làm trì hoãn cổ phần hóa ở một số trường hợp. Thực tiễn đặt ra câu hỏi: Tại sao nhà đầu tư chiến lược chưa quan tâm đầu tư vào các DNNN cổ phần hóa và giải pháp chính sách nào để cải thiện tình hình?

Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa trên 4.500 DNNN, nhưng chất lượng chưa cao, một số mục tiêu chưa đạt được, trong đó có mục tiêu bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần hóa DNNN với mức độ thấp hơn kì vọng.

Nguồn: Tổng hợp báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trên trang điện tử: doimoidoanhnghiep.chinhphu.vn và Báo cáo của Bộ Tài chính
Nguồn: Tổng hợp báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trên trang điện tử: doimoidoanhnghiep.chinhphu.vn và Báo cáo của Bộ Tài chính

Theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết quả bán cổ phần trên thực tế chưa đạt mục tiêu giảm vốn nhà nước và thu hút vốn đầu tư tư nhân (Theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, DN thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng qua hình thức đấu giá (IPO) năm 2015 chỉ bán được khoảng 36% tổng số lượng cổ phần chào bán). Nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn. Tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư bên ngoài chỉ đạt 9,5% (so với kế hoạch là 16,7%), nhà đầu tư chiến lược là 7,3% (kế hoạch là 15,8%).

Cơ cấu sở hữu của DN CPH theo kế hoạch và thực tế sau IPO (bình quân giai đoạn 2011-2015)
Cơ cấu sở hữu của DN CPH theo kế hoạch và thực tế sau IPO (bình quân giai đoạn 2011-2015)

Đa số tập đoàn, TCT và DNNN quy mô lớn chưa thu hút được cổ đông chiến lược

Một trong những đối tượng chính của CPH DNNN trong giai đoạn này là các tập đoàn, tổng công ty có qui mô tương đối lớn về vốn, thị trường và năng lực sản xuất. Đây là những DNNN được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn và có khả năng thu hút mạnh các nhà đầu tư chiến lược khi thực hiện cổ phần hoá.

Nghiên cứu này đã thực hiện tổng hợp và phân tích các thông tin đối với 46 tổng công ty được phê duyệt phương án CPH giai đoạn 2011 – 2016 để có thêm một cái nhìn sâu hơn và phân tích kỹ hơn về khả năng thu hút nhà đầu tư chiến lược trong quá trình CPH DNNN.

Kết quả thống kê tổng hợp cho thấy, tổng vốn điều lệ của 46 tổng công ty đạt 171.225 tỷ đồng, trong đó tổng vốn điều lệ do Nhà nước nắm giữ là 124.835 tỷ đồng (chiếm 73% tổng vốn điều lệ), phê duyệt bán cho cổ  đông chiến lược 28.369 tỷ đồng (chiếm 16.57% tổng vốn điều lệ). Trong số 46 DNNN này, có 14 doanh nghiệp (chiếm 30,4%) trong phương án cổ phần hoá không bán cho nhà đầu tư chiến lược; có 2 doanh nghiệp (chiếm 4,4%) bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược với tỷ lệ cao hơn phương án được phê duyệt; 17 doanh nghiệp (chiếm 37%) bán hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược theo tỷ lệ được phê duyệt; 9 doanh nghiệp (chiếm 19,6%) không bán được cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và 4 doanh nghiệp còn lại (chiếm 8,7%) không bán hết số cổ phần được phê duyệt cho nhà đầu tư chiến lược.

Thực tế trong số 28.369 tỷ đồng được phê duyệt bán cho nhà đầu tư chiến lược, chỉ có 12.762 tỷ đồng đã bán được, đạt chưa đến 1/2 con số được phê duyệt.

Xét tiếp đến tỷ lệ bán được cho nhà đầu tư nước ngoài, tỷ lệ này rất nhỏ chỉ chiếm 8,7% (4/46 tổng công ty). Trong đó phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài mua tỷ lệ cổ phần thấp (cao nhất là 20%).

Tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược ảnh hưởng tới khả năng thu hút được cổ đông chiến lược

Theo báo cáo của Viện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phần lớn tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt thường nhỏ, đây có thể là một nhân tố làm giảm sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược nói chung và các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nói riêng. Chỉ có 6/46 số các phương án phê duyệt (chiếm 13%) có tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược trên 50%. 5/6 doanh nghiệp đó đã bán được hết số cổ phần cho cổ đông chiến lược. Kết quả này cung cấp một bằng chứng cho thấy tỷ lệ sở hữu của cổ đông chiến lược cao thì sẽ dễ thu hút các nhà đầu tư chiến lược hơn.

Trúc Dân


Ý kiến bạn đọc