Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa thu hút được nhà đầu tư chiến lược

10:55, 31/10/2017
|

(VnMedia)- Hôm 30/10, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố báo cáo kết quả Nghiên cứu về “Cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”. 

Với mục đích hỗ trợ tiến trình cổ phần hoá (CPH) và thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần hoá, được sự hỗ trợ của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã tiến hành một nghiên cứu độc lập về thực trạng và nguyên nhân của những bất cập trong việc thu hút cổ đông chiến lược trong quá trình này, để từ đó đề xuất những giải pháp về mặt chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động cổ phần hoá và thoái vốn trong các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra chiều 30/10 tại Hà Nội
Hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu về cổ đông chiến lược trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước diễn ra chiều 30/10 tại Hà Nội

Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả tiến trình cổ phần hoá DNNN.

Theo báo cáo từ Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho thấy, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã thực hiện cổ phần hóa trên 4500 DNNN, nhưng chất lượng chưa cao, một số mục tiêu chưa đạt được, trong đó có mục tiêu bán cổ phần cho các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư chiến lược tham gia cổ phần hóa DNNN với mức độ thấp hơn kì vọng. 

Về vấn đề này, chia sẻ tại buổi công bố Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Một trong những giải pháp để đạt được mục tiêu và hiệu quả của CPH nói chung và nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp CPH nói riêng, là thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào CPH, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, các nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang lại những nguồn tài chính mới mà còn những giá trị gia tăng cho doanh nghiệp như công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản trị, mạng lưới và thị trường mới, giúp doanh nghiệp tăng trưởng, đồng thời đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước và cho sự phát triển của ngành công nghiệp có liên quan. Nhận thức được tầm quan trọng của những cổ đông chiến lược trong cổ phần hoá DNNN, chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu về vấn đề này nhằm tìm ra những giải pháp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược và nâng cao hiệu quả của quá trình CPH”, 

Nghiên cứu đã được tiến hành theo phương pháp tổng quan tài liệu kết hợp với nghiên cứu tình huống và phỏng vấn sâu một số DNNN đã và đang thực hiện cổ phần hoá hoặc thoái vốn nhà nước.  

Trong Báo cáo cáo này, nhà đầu tư chiến lược hay cổ đông chiến lược là một cá nhân hoặc một tổ chức không chỉ đơn thuần đầu tư các nguồn lực tài chính của mình vào một doanh nghiệp hoặc một cơ hội đầu tư mà còn tích cực tham gia điều hành, hỗ trợ và đóng góp các nguồn lực khác để giúp phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được nhận đầu tư.  

Hoạt động đầu tư chiến lược này có sự tương tác của ba chủ thể chính là nhà đầu tư chiến lược, chính phủ và các DNNN. Ba chủ thể này tham gia vào hoạt động đầu tư chiến lược với nhiều mục tiêu riêng biệt.

Mục tiêu, lợi ích của các chủ thể chính trong đầu tư chiến lược.
Mục tiêu, lợi ích của các chủ thể chính trong đầu tư chiến lược.

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra các nguyên nhân chính khiến cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các nhà đầu tư quốc tế.

Trong số những nguyên nhân có việc duy trì quy định hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành nghề và lĩnh vực. Ngoài ra, việc xác định giá trị doanh nghiệp và giá bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp cùng với việc thiếu công khai, minh bạch trong tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn cũng là những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư e ngại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước cũng kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư do bộc lộ nhiều nhược điểm nội tại như  đầu tư dàn trải vào nhiều lĩnh vực, quản trị kém, nợ đọng cao, thiếu năng lực chuyên môn. Cuối cùng, thủ tục cổ phần hoá phức tạp, kéo dài thời gian và nhiều yêu cầu khó khả thi cũng khiến nhiều nhà đầu tư quyết định không tham gia vào quá trình này.  

Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị cụ thể về giải pháp chính sách nhằm tăng sức hấp dẫn và khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược tham gia vào cổ phần hoá. Một là, cần có quy định rõ ràng và minh bạch về những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để loại bỏ những nhà đầu tư ngắn hạn hoặc không mang lại những giá trị gia tăng thực chất, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp. Hai là, nhà nước nên cân nhắc mở rộng các lĩnh vực, ngành nghề nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nắm giữ cổ phần chi phối, đặc biệt là những lĩnh vực, ngành nghề không ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và chủ quyền quốc gia. Ba là, việc định giá doanh nghiệp cần tiến hành độc lập bới các đơn vị có nhiều kinh nghiệm quốc tế và trong nước dựa trên cơ sở pháp luật hiện hành kết hợp với thông lệ quốc tế. Bốn là, giá bán cổ phần cần phải dựa trên giá trị thực của doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào giá giao dịch trên thị trường chứng khoán, do giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán chỉ đại diện cho một số lượng cổ phần nhỏ giao dịch trên thị trường và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan và xu hướng ngắn hạn của thị trường. Cuối cùng, để tiến trình cổ phần hóa được thực sự hiệu quả, các thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa cần được công khai, minh bạch để các nhà đầu tư có đủ thời gian thẩm định thông tin và đánh giá giá trị của doanh nghiệp trước khi tham gia đấu thầu. 

Trúc Dân


Ý kiến bạn đọc